TOP 4 Đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong bài Bàn về đọc sách hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những tác dụng, vai trò của việc đọc sách trong cuộc sống.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong bài Bàn về đọc sách
Trong tác phẩm “Bàn về đọc sách”, Chu Quang Tiềm đã chỉ rõ ra tầm quan trọng của việc đọc sách, những thiên hướng sai lệch, khó khăn dễ mắc phải trong việc đọc sách hiện nay. Mời các em cùng tham khảo bài viết để trả lời Câu 4 tiết Luyện tập phân tích và tổng hợp SGK Ngữ văn 9 tập 2 trang 12.
Đề bài: Câu 4: Hãy viết đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong Bàn về đọc sách.
Viết đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong bài Bàn về đọc sách
Đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong Bàn về đọc sách – Mẫu 1
Sau khi đọc văn bản “Bàn về đọc sách”, chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách. Đó là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Nhưng việc đọc sách cần có phương pháp đúng đắn. Bởi ngày nay, sách có nhiều, chính vì vậy chúng ta cần phải biết chọn sách để đọc, cũng như có phương pháp đọc sách đúng đắn, đọc ít mà hiểu nhiều còn hơn là đọc nhiều mà rỗng.
Đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong Bàn về đọc sách – Mẫu 2
Thông qua tác phẩm “Bàn về đọc sách”, tác giả Chu Quang Tiềm mong muốn bạn đọc sẽ nắm chắc và hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của việc đọc sách. Đọc sách không phải cốt số lượng quyển sách mà bạn đã đọc, đọc ít mà chú tâm còn hơn đọc nhiều mà không hiệu quả. Nhưng đồng thời, chúng ta phải biết cách chọn lọc sách để đọc sao cho tốt, không lãng phí sức vào việc đọc những sách vô thưởng vô phạt. Sách vở viết về cùng một chủ đề tuy nhiên chúng sẽ có chất lượng khác nhau, bởi tùy nội dung mà cuốn sách đó muốn truyền tải, nó có thực sự cần thiết tới bạn hay không. Do đó, việc đầu tiên khi đọc sách chính là cần lựa chọn những cuốn sách hay mà đọc, không được lãng phí thời gian vào đọc những loại sách chẳng phù hợp với mình. Đọc sách cần có kỹ năng, mục đích của việc đọc sách là tăng vốn hiểu biết của bản thân để có thể vận dụng nhiều vào thực tiễn và cuộc sống.
Đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong Bàn về đọc sách – Mẫu 3
Trong bài “Bàn về đọc sách”, tác giả Chu Quang tiềm đã đặt ra những vấn đề hết sức thiết thực đối với chúng ta ngày nay về việc đọc sách sao cho phù hợp và hiệu quả. Giữa phồn tạp của buổi chợ phiên văn chương, chọn và đọc sách vở quả thực là một vấn đề hết sức khó khăn. Sách vở thì nhiều, trong khi đó ,sức đọc của người có hạn, do đó phải lựa chọn mà đọc. Không những vậy, sách vở có chất lượng khác nhau, do đó phải chọn những sách hay mà đọc, không lãng phí sức vào việc đọc những sách vô thưởng vô phạt. Trong quá trình đọc sách thì cũng cần chú ý đọc sách không cần nhiều mà cần đọc kỹ, hiểu sâu, do đó phải chọn một số sách quan trọng đối với mình, dồn tâm lực mà đọc để nắm được và đúc kết những điều cơ bản nhất. Cùng với đó, bên cạnh việc đọc sâu ta còn cần phải đọc rộng, ở đây cũng cần lựa chọn những sách cần thiết để mang lại giá trị thật sự cần thiết cho bản thân. Dựa trên những tiêu chí để chọn và đọc sách ấy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn thế nào là một quyển sách hay, từ đó chọn lựa cho mình cách đọc và học sách sao cho phù hợp nhất.
Đoạn văn tổng hợp những điều đã phân tích trong Bàn về đọc sách – Mẫu 4
Một trong những con đường tiếp thu tri thức khoa học nhân loại- con đường ngắn nhất là đọc sách. Sách là kiến thức của con người đã được tích luỹ, chọn lọc, tổng hợp, là kho tàng vô tận chứa biết bao nhiêu điều bổ ích. Muốn đọc sách có hiệu quả phải chọn những cuốn sách quan trọng mà đọc kỹ. Không chỉ đọc sách chuyên sâu mà còn đọc mở rộng những liên quan để hỗ trợ cho việc nghiên cứu chuyên sâu. Khi đọc, không đọc lấy số lượng. Không nên đọc lướt qua, đọc để trang trí bề mặt mà phải vừa đọc vừa suy ngẫm: “trầm ngâm – tích luỹ – tưởng tượng”. Đọc có kế hoạch, có hệ thống, không đọc tràn lan theo kiểu hứng thú cá nhân. Đọc từ khái quát tới chi tiết, đọc và nghiền ngẫm những điều trong sách để áp dụng vào cuộc sống. Nhà văn M.Gorki từng nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”, vì vậy nếu không có sách lịch sử im lặng, văn chương câm điếc.