Văn mẫu lớp 9: Phân tích chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài Sang thu

Văn mẫu lớp 9: Phân tích chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài Sang thu

Văn mẫu lớp 9: Phân tích chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài Sang thu gồm 2 bài văn mẫu, kèm theo 2 dàn ý chi tiết. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 9 cảm nhận sâu sắc hơn về những triết lý có trong bài thơ.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Phân tích chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài Sang thu

Văn mẫu lớp 9: Phân tích chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài Sang thu

Sang thu là sự cảm nhận đầy chất trữ tình của nhà thơ Hữu Thỉnh về bức tranh mùa thu tươi đẹp, bên cạnh đó còn chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc đời, về con người. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Phân tích chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài thơ Sang thu

    Dàn ý phân tích chất trữ tình và triết lý sâu lắng

    Dàn ý 1

    1. Mở bài

    Giới thiệu bài thơ: “Sang thu” không chỉ mang nét đẹp trữ tình mà còn đẫm tính triết lý.

    2. Thân bài

    * Chất trữ tình:

    • Hương ổi đang hoà trong gió nhẹ, phả vào lòng người, vào đất trời vị thơm riêng biệt của mình.
    • Màn sương mỏng sớm mai không vội vàng, vồ vập mà thư thái, thong dong tận hưởng từng phút giây qua mỗi nhà, mỗi ngõ.

    → Thiên nhiên đang bắt đầu báo hiệu mùa thu tới→ Đột ngột, bất ngờ

    • Bầu không khí lành lạnh khi thu về khiến những cánh chim trở nên vội vã hơn
    • Sông “dềnh dàng”, không vội vã, cuộn trào mà thong dong, tư lự
    • Đám mây vắt mình sang thu, mang nét đẹp của hai mùa thiên nhiên

    => Thiên nhiên khi thu sang vừa dịu dàng, nhẹ nhàng lại vừa trong trẻo, duyên dáng khiến lòng người thổn thức.

    * Chất triết lý

    • Sau những tháng năm chinh chiến trên dặm đường cứu nước người chiến sĩ trở về với tự do cho phép mình được sống thong thả hơn, được thoải mái tận hưởng vẻ đẹp của đất nước yên bình.
    • Nỗi niềm của người lính khi trở về, vẫn nhớ và thương lắm những kí ức chiến tranh hào hùng, ác liệt.
    • Thách thức, vấp ngã đưa lại những kinh nghiệm sống quý giá, sự trải nghiệm→ Khi trưởng thành rồi con người cũng như hàng cây kia, bao sấm chớp, bao giông bão cũng không còn sợ hãi, cũng vẫn bình thản đón nhận tất cả như một lẽ tự nhiên.

    3. Kết bài

    Cảm nghĩ về bài thơ: “Sang thu” là khúc ngân giao mùa đầy mộng mơ khiến lòng ta không khỏi khắc khoải, vừa thấy yên bình lại thấy bâng khuâng.

    Dàn ý 2

    I. Mở bài:

    Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu: Trong khoảnh khắc giao mùa, đất trời có những chuyển biến vừa nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng cũng rất rõ rệt, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảm nhận những biến chuyển tuyệt vời đó trong tác phẩm “Sang thu”.

    II. Thân bài:

    – Phân tích chất trữ tình trong bài thơ Sang thu:

    • Từ “Bỗng” thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của mùa thu, nó đến nhẹ nhàng mà cũng đột ngột quá.
    • Hương ổi cứ lan tỏa vào không gian, phả vào trong cơn gió heo may, như một sức mạnh vô hình đang lan tỏa cả về cảm xúc.
    • Màn sương “chùng chình” mang vẻ thong dong, thư thả và nhẹ nhàng, khiến cho tác giả vẫn còn nghi vấn “thu đã về?”

    – Phân tích chất triết lý sâu lắng trong bài thơ Sang thu:

    • Khi đời sống vừa “sang thu” lòng người cũng mang những trăn trở và xúc động.
    • “Sương chùng chình qua ngõ” hay “ Sông được lúc dềnh dàng” chính là đang nói về cuộc sống của những con người vừa bước qua chiến tranh, trong thời chiến họ xông pha, đến bây giờ mới được nghỉ ngơi, nên mới cho phép “dềnh dàng” như thế.

    III. Kết bài:

    Ý nghĩa của bài thơ Sang thu: Như vậy, có thể thấy, bài thơ “Sang thu” đã mang thu về với cả đất trời và lòng người, nhà thơ bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sâu lắng đã mang lại một bức tranh trữ tình ẩn chứa triết lý về khoảnh khắc sang thu.

    Phân tích chất trữ tình và triết lý sâu lắng – Mẫu 1

    Hạ tàn – thu sang, đó là một quy luật khách quan và tất yếu của tự nhiên, không thể nào thay đổi. Trong khoảnh khắc giao mùa, đất trời có những chuyển biến vừa nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng cũng rất rõ rệt, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảm nhận những biến chuyển tuyệt vời đó trong tác phẩm “Sang thu”. Bài thơ là sự cảm nhận đầy chất trữ tình của nhà thơ về bức tranh mùa thu, bên cạnh đó còn chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc đời và con người.

    Trước hết ta bàn về chất trữ tình trong bài thơ, bài thơ “Sang thu” chính là cái nhìn và sự cảm nhận đầy mới mẻ và tình tế của tác giả về bức tranh mùa thu lúc giao mùa, trong cảm nhận của ông và trong bức tranh ấy đều mang đậm chất trữ tình.

    “Bỗng nhận ra hương ổi…
    Hình như thu đã về…”

    Trong biết bao hương vị thân quen, nhà thơ lại giật mình trước hương ổi đầu mùa ngọt ngào, nó tượng trưng cho hương vị của làng quê bắc bộ thân thương, đánh thức những kỉ niệm thời thơ ấu. Từ “Bỗng” thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của mùa thu, nó đến nhẹ nhàng mà cũng đột ngột quá. Hương ổi cứ lan tỏa vào không gian, phả vào trong cơn gió heo may, như một sức mạnh vô hình đang lan tỏa cả về cảm xúc. Màn sương “chùng chình” mang vẻ thong dong, thư thả và nhẹ nhàng, khiến cho tác giả vẫn còn nghi vấn “thu đã về?”.

    “Sông được lúc dềnh dàng…
    Vắt nửa mình sang thu”

    Sự hiện diện của mùa thu không còn mơ hồ nữa mà đã rõ rệt hơn, hiện hữu trong thiên nhiên và tạo vật. Trời đất đã nhuốm màu thu sang, dòng sông chảy lững lờ, khoan thai, mềm mại, đàn chim thì vội vã cho những chuyến hành trình mới. Đẹp nhất chính là đám mây mùa thu còn vương chút nắng hạ, từ giây phút giao mùa nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận rõ tín hiệu sang thu của đất trời. Không dừng lại ở những rung động trước thiên nhiên đất trời, một người vừa đi qua chiến tranh như tác giả còn cho ta những cảm nhận về cuộc sống và con người sau chiến tranh chuyển sang hòa bình.

    Khi đời sống vừa “sang thu” lòng người cũng mang những trăn trở và xúc động. “Sương chùng chình qua ngõ” hay “ Sông được lúc dềnh dàng” chính là đang nói về cuộc sống của những con người vừa bước qua chiến tranh, trong thời chiến họ xông pha, đến bây giờ mới được nghỉ ngơi, nên mới cho phép “dềnh dàng” như thế. “Chim bắt đầu vội vã” lại ám chỉ những con người đang sống thức thời, vội vã chạy theo ngược xuôi với thăng trầm của xã hội mà không có cho mình những con đường riêng, ý chí phấn đấu và quyết tâm của bản thân mình. Bên cạnh đó còn có lớp người xúc động và luyến tiếc khi nhận ra tuổi trẻ đã qua đi, còn quá nhiều việc chưa làm được và cần khẩn trương hơn vì thời gian không hề đứng đợi:

    “Sấm cũng bớt bất ngờ
    Trên hàng cây đứng tuổi”

    Tuy nhiên trong hoàn cảnh nào đi nữa, con người vẫn hãy tự tin và đón nhận tất cả, không run sợ trước những biến cố cuộc đời, đó là lời tâm sự của nhà thơ nói riêng và lớp người đi trước nói chung dành cho thế hệ sau.

    Như vậy, có thể thấy, bài thơ “Sang thu” đã mang thu về với cả đất trời và lòng người, nhà thơ bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sâu lắng đã mang lại một bức tranh trữ tình ẩn chứa triết lý về khoảnh khắc sang thu.

    Phân tích chất trữ tình và triết lý sâu lắng – Mẫu 2

    Người ta vẫn thường ca tụng vẻ đẹp của mùa xuân khi đất trời đắm chìm trong muôn sắc rực rỡ của cỏ cây, say đắm trước nét duyên của khi hạ với tiếng ve râm ran vùng cánh phượng hồng nở rợp trời ký ức. Hay thổn thức trước những ngọn gió đông se lạnh với cây bàng già trơ trọi nơi góc phố, thì ta cũng không khỏi xuyến xao trước hương thu nhẹ nhàng, êm ái mà thương yêu mỗi độ thu về. Và phải chăng, tâm hồn của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đang rung động trước khoảnh khắc giao mùa tuyệt đẹp khi thu sang mà viết nên những vần thơ giàu cảm xúc đến như vậy. Bài thơ “Sang thu” không chỉ mang nét đẹp trữ tình mà còn đậm tính triết lý sâu sắc.

    “Bỗng nhận ra hương ổi
    Phả vào trong gió sẽ
    Hương chùng chình qua ngõ
    Hình như thu đã về”

    Thiên nhiên đang bắt đầu báo hiệu mùa thu tới, nhà thơ Hữu Thỉnh đón nhận trong sự bất ngờ, ngỡ ngàng. Hương ổi đang hòa trong gió nhẹ, phả vào lòng người, vào đất trời vị thơm riêng biệt của mình, vừa hấp dẫn lại vừa quyến rũ, vừa khiến ta mong lại khiến ta chờ. Màn sương mỏng sớm mai không vội vàng, vồ vập mà thư thái, thong dong tận hưởng từng phút giây qua mỗi nhà, mỗi ngõ.

    “Hình như thu đã về”

    Cảnh vật đang dần đổi sắc cũng là lúc mùa thu về trên đất Bắc thương yêu. Tác giả không khẳng định chắc chắn mà dùng từ “hình như” tạo nét mềm mại trong câu văn lại như vừa như một dấu hiệu để người đọc cùng cảm nhận xem có phải là mùa thu đã về thật không vậy?

    Nếu khổ một tả còn mơ hồ khi đoán biết cảnh sang thu, thì qua khổ hai thu như biểu hiện rõ nét hơn, cụ thể hơn mà cũng “tình” hơn bao giờ hết:

    “Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu”

    Cả đất trời, sông núi đều đang nhuốm màu thu. Bầu không khí lành lạnh khi thu về khiến những cánh chim trở nên vội vã hơn, vỗ cánh bay đi kiếm tìm cho mình những miền đất ấm áp hơn. Sông lúc này cũng không nóng bỏng hay ào ạt cuộn trào như những ngày hè chói chang mà trôi chậm hơn, tư lự hơn, dường như dòng sông cũng muốn thư thái đắm mình trong cảnh thu sang để tận hưởng, nét “dềnh dàng” của dòng sông sao trở nên duyên dáng lạ thường. Đám mây xanh mùa hạ cùng uyển chuyển vắt mình sang thu. Nàng mây lúc này đây đang mang trong mình vẻ đẹp của hai mùa thiên nhiên, vạt áo còn vương chút nắng hạ cuối mùa phá lẫn nét dịu dàng, trong ngần của ngày thu vừa tới. Thu sang, nắng vẫn tỏa dịu nhẹ, những cơn mưa bất chợt cũng vơi dần đi. Hàng cây xanh vẫn hiên ngang giữa đất trời, tỏa bóng mình xuống từng gốc phó, có lẽ đã dần quen với sự bất thường của thời tiết mà tiếng sấm, tiếng chớp chẳng còn gì là xa lạ với chúng cả.

    Bài thơ thật đẹp biết bao bởi những áng thơ giàu sức gợi, đẫm chất trữ tình. Sâu bên trong, bài thơ còn mang tính triết lý về cuộc đời, về lẽ sống. Có lẽ, sau những tháng năm chinh chiến trên dặm đường cứu nước, qua bom đạn khói lửa, giờ đây khi đất nước hoà bình, người chiến sĩ trở về với tự do cho phép mình được sống thong thả hơn, được sống hòa hợp và vui thú với thiên nhiên, được thoải mái tận hưởng vẻ đẹp của đất nước yên mình. Hình ảnh đám mây hạ vắt mình sang thu phải chăng ấy là những nỗi niềm của người lính khi trở về, vẫn nhớ và thương lắm những kí ức chiến tranh hào hùng, ác liệt? Cánh chim bắt đầu vội vã cũng là lúc còn người chợt nhận ra sự chảy trôi của thời gian, nhận ra tuổi trẻ cũng theo năm tháng qua đi mà sống vội hơn, sống gấp gáp và có ích hơn để không hối tiếc khi về già.

    “Sấm cũng bớt bất ngờ
    Trên hàng cây đứng tuổi”

    Thời gian, chính là yếu tố quyền uy nhất tôi luyện cho con người lòng tin và sự bản lĩnh. Thách thức, vấp ngã đưa lại những kinh nghiệm sống quý quý giá, sự trải nghiệm theo gian luôn là điều tất yếu, để giờ đây khi trưởng thành rồi con người cũng như hàng cây kia, bao sấm chớp, bao giông bão cũng không còn sợ, cũng vẫn bình thản đón nhận tất cả như một lẽ tự nhiên. Biến cố cuộc đời chẳng thể khiến lòng người chùn chân, lùi bước.

    “Sang thu” là khúc ngân giao mùa đầy mộng mơ khiến lòng ta không khỏi khắc khoải, vừa thấy yên bình lại thấy bâng khuâng. Bài thơ mang đến cho ta những suy ngẫm về cuộc đời, về tuổi trẻ và thời gian, để từ đó thêm ý thức hơn về lẽ sống đời mình, thêm yêu và trân trọng mọi vẻ đẹp của đất nước, của thiên nhiên.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *