TOP 7 bài Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ngắn gọn, đặc sắc, kèm theo 2 dàn ý chi tiết, cùng sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về nội dung, hoàn cảnh sáng tác, nghệ thuật sử dụng trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Sơ đồ tư duy)
Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là truyện ngắn hay, giàu cảm xúc, ngợi ca những người lao động vô danh, đang ngày đêm cống hiến cho đất nước. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9:
Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Sơ đồ tư duy Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Dàn ý thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Dàn ý 1
1. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm.
2. Thân bài
a. Tác giả:
- Nguyễn Thành Long (1925-1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
- Bút danh khác là Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo.
- Chuyên về truyện ngắn và bút ký, trong đó ông được đánh giá là cây bút truyện ngắn nổi bật giai đoạn 1960-1970.
- Đề tài chính trong sáng tác của ông là cuộc sống sinh hoạt đời thường. Các tác phẩm tiêu biểu bao gồm Bát cơm cụ Hồ, Gió bấc gió nồm, Chuyện nhà chuyện xưởng, Những tiếng vỗ cánh, Giữa trong xanh,…
b. Tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Là kết quả của chuyến đi thực tế mùa hè năm 1970 của tác giả tại Lào Cai.
- Xuất xứ: Rút từ tập Giữa trong xanh xuất bản năm 1972.
- Ý nghĩa nhan đề: Nhấn mạnh, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm ấy là khác với cái dáng vẻ yên tĩnh, vắng lặng của Sa Pa, thì thực tế cuộc sống ở nơi đây lại trở nên sôi động với những con người say mê lao động, cống hiến lặng thầm cho đất nước, cho xã hội để thực hiện lý tưởng sống cao đẹp.
c. Tình huống truyện:
- Cuộc gặp gỡ tình cờ của những người khách trên một chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên trẻ tuổi làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn.
d. Nội dung tác phẩm:
* Vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa trong trẻo, tự nhiên và vô cùng nên thơ hấp dẫn người đọc.
* Vẻ đẹp của con người:
– Anh thanh niên:
- Hoàn cảnh sống và làm việc khắc nghiệt.
- Vẻ đẹp tâm hồn rất đáng quý, có những suy nghĩ đẹp về công việc, gắn bó với công việc, yêu công việc, coi lao động, coi nghề nghiệp của mình là niềm vui trong cuộc sống, ý thức rất rõ về giá trị của công việc, cũng như nhiệm vụ của mình với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
- Có những suy nghĩ đẹp về cuộc sống, khi biết tự tìm câu trả lời cho giá trị của bản thân, về ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy hạnh phúc khi làm được những điều có ích cho xã hội, đóng góp công sức vào việc kiến thiết đất nước.
- Nét đẹp về tính cách như sự cởi mở, chu đáo với mọi người (tặng hoa cho cô kỹ sư, tặng trứng cho ông họa sĩ, cho bác lái xe tam thất,…), đức tính khiêm tốn giản dị (từ chối được ông họa sĩ vẽ), lối sống ngăn nắp, tỉ mỉ,…
– Nhân vật cô kỹ sư, là một kỹ sư mới ra trường, hăng hái xung phong lên Lào Cai nhận công tác, dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội và mối tình nhạt nhẽo vô vị. Cuộc gặp gỡ vô tình với anh thanh niên đã truyền cho cô sức mạnh và thắp lên cho cô niềm tin, tình cảm lớn lao với lý tưởng cao đẹp về cuộc sống.
– Nhân vật bác lái xe, ông kỹ sư vườn rau, anh kỹ sư nghiên cứu bản đồ rét,…Tất cả những nhân vật này đều cho thấy sự tận tụy, hi sinh hết mình vì công việc, họ yêu công việc, coi lao động là vinh quang, là lý tưởng sống cao đẹp, đáng quý vô cùng.
e. Nghệ thuật:
- Sự kết hợp tuyệt vời giữa các yếu tố trữ tình, tự sự và bình luận.
- Hình ảnh truyện nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị, lãng mạn.
- Tình huống truyện đơn giản, các nhân vật được khắc họa tỉ mỉ với những nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nhận.
Dàn ý 2
I. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm sẽ thuyết minh: Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long
II. Thân bài
1. Tác giả Nguyễn Thành Long
- Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp.
- Văn ông đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm.
- Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, nó được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972).
2. Tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyển đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của nhà văn.
- Truyện được rút ra từ tập “Giữa trong xanh” (1972).
b. Tóm tắt tác phẩm
- Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kĩ sư và bác lái xe.
- Ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên.
- Anh bộc bạch về công việc và cuộc sống của mình.
- Họa sĩ đã kịp ghi lại ký họa chân dung về anh.
- Anh đã làm cô kĩ sư và ông họa sĩ sống dậy những khát vọng cống hiến.
- Họ đã chia tay trong tình cảm lưu luyến, xúc động.
c. Giá trị nội dung
- Truyện ngắn khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng cống hiến cho đời.
- Ngợi ca vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng nhưng quan trọng vô cùng.
d. Giá trị nghệ thuật
- Xây dựng tình huống thành công.
- Miêu tả nhân vật kết hợp với tự sự và biểu cảm.
III. Kết bài
- “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc.
- Truyện xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận.
Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 1
Mỗi lĩnh vực trong đời sống đều mang đến cho con người nguồn cảm hứng và những cảm xúc khác nhau. Văn học cũng vậy, nó là lĩnh vực mà khi tiếp cận, con người có thể sống cùng, vui cùng, khóc cùng nhân vật, cảm thụ được những tư tưởng đạo lý mà người nghệ sĩ gửi gắm. Và tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã khiến cho người đọc cảm nhận rõ điều đó.
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long, ông là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp. Từng trang văn của Nguyễn Thành Long đều đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm, khiến người đọc như bước vào một thế giới tinh mơ, thanh thảo, bên cạnh đó cũng giàu chất triết lý sâu xa trong từng câu từ. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là một trong số đó.
Tác phẩm là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972). Với tác phẩm này, nhà văn đã làm nổi bật lên đề tài về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ đó, ca ngợi những con người sống và làm việc thầm lặng, cống hiến cho đất nước cho cuộc sống.
Truyện mở đầu bằng hoàn cảnh của chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai với ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ. Ông họa sĩ và cô kĩ sư đã được bác lái xe đã giới thiệu về anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ tuy chóng vánh, nhân vật anh thanh niên đã để lại biết bao ấn tượng cho mọi người. Anh tặng hoa cho cô kĩ sư, pha trà và trò chuyện với họ về cuộc sống và công việc của mình, như sở thích nuôi gà, trồng hoa, làm bạn với công việc. Đặc biệt, khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh thanh niên, anh đã từ chối và giới thiệu với ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại còn cô kĩ sư thì thấy xúc động. Người thanh niên đã làm rung động trái tim của những vị khách mới quen.
Truyện được chia làm ba đoạn, với ba sự kiện: Đoạn một là việc bác lái xe giới thiệu về anh thanh niên qua lời kể của mình, đoạn một là cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư và đoạn một là cuộc chia tay đầy ấn tượng. Song song với đó, người đọc có thể cảm nhận được nét vẽ chấm phá rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa và vẻ đẹp con người Sa Pa.
Thiên nhiên Sa Pa đẹp dịu dàng, giàu chất thơ ấm áp với nắng, con đèo, cây hoa tử kinh, rừng, ấy bị nắng xua, các vòm lá ướt sương, “rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”. Chỉ với một vài nét vẽ cơ bản, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp thơ mộng, thanh thảo, bằng ngôn ngữ trong sáng, đường nét như “mạ bạc”, “nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, “cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương”. Bức tranh ấy như gợi mở phần nào về con người nơi đây.
Vẻ đẹp con người nơi núi rừng Sa Pa không phải là những vị thần trong truyền thuyết, cũng không phải những người anh hùng lẫy lừng vang danh sử sách muôn đời, họ là những con người âm thầm làm việc, ngày qua ngày. Đó là anh thanh niên mà qua lời kể của bác lái xe là người “cô độc nhất thế gian”, rất “thèm người”, làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm làm bạn với mây mù và cây cỏ, trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Trong ấn tượng của bác hoạ sĩ, đó là người mà “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Người thanh niên ấy có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc cao, tự tìm thấy niềm vui trong công việc của mình; có sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách đáng quý khi tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, vui sướng khi có khách đến chơi nhà. Và ở anh là sự khiêm tốn và một nếp sống ngăn nắp gọn gàng mà anh tự tạo ra với những thói quen đọc sách, trồng hoa, nuôi gà… Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, và chỉ bằng những nét vẽ đơn giản, nhà văn đã khắc hoạ lên một con người giàu ý chí, tinh thần cống hiến, yêu đời, yêu cuộc sống. Ngoài ra còn có những nhân vật như ông hoạ sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Họ là những nhân vật đã góp phần đem đến những gam màu sắc đa dạng cho câu chuyện.
Truyện đã khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống. Cốt truyện đơn giản, nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn của nhân vật khác là một yếu tố đặc sắc của tác phẩm. Qua truyện này, bài học về tinh thần hi sinh, cống hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời đã được nhà văn gửi gắm đến người đọc.
“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc. Nó xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận một lần trong cuộc sống.
Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 2
Trong sáng tác văn chương, đặc biệt là thể loại văn học hiện đại hơi hướng phương Tây chỉ mới du nhập vào nước ta trong thế kỷ trước, thì đề tài viết về con người với những vẻ đẹp trong cuộc sống đời thường đã trở thành một đề tài quen thuộc, yêu thích của nhiều tác giả và được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mà như Thạch Lam đã viết: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chỉnh ở chẽ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long chính là một trong số những tác phẩm như vậy, đây là một truyện ngắn hay, sâu sắc khai thác về cuộc sống lao động bình thường của những con người không rõ tên, không rõ tuổi, âm thầm hy sinh cống hiến cho Tổ quốc một cách thầm lặng.
Tác giả Nguyễn Thành Long sinh năm 1925, mất năm 1991, quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con một gia đình viên chức nhỏ. Ngoài việc sử dụng tên thật trong các sáng tác của mình, ông còn những bút danh khác là Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo. Nguyễn Thành Long là một trong những nhà văn trẻ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp chuyên về truyện ngắn và bút ký, trong đó ông được đánh giá là cây bút truyện ngắn nổi bật giai đoạn 1960 – 1970. Đề tài chính trong sáng tác của ông là cuộc sống sinh hoạt đời thường, đặc biệt các sáng tác truyện của ông thường mang khuynh hướng ký, và luôn toát lên những vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng đến từ thiên nhiên, tâm hồn của con người. Các tác phẩm tiêu biểu bao gồm: Bát cơm cụ Hồ, Gió bấc gió nồm, Chuyện nhà chuyện xưởng, Những tiếng vỗ cánh, Giữa trong xanh…
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi thực tế mùa hè năm 1970 của tác giả tại Lào Cai. Tác phẩm được rút từ tập “Giữa trong xanh” xuất bản năm 1972. Nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” có sự đảo tính từ “lặng lẽ” lên trước, từ đó nhấn mạnh, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm ấy là khác với cái dáng vẻ yên tĩnh, vắng lặng của Sa Pa, thì thực tế cuộc sống ở nơi đây lại trở nên sôi động với những con người say mê lao động, cống hiến lặng thầm cho đất nước, cho xã hội để thực hiện lý tưởng sống cao đẹp trên đỉnh cao của Tổ quốc thân yêu trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Tình huống truyện trong tác phẩm đơn giản xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ của những người khách trên một chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên trẻ tuổi làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn. Từ đó thuận tiện khắc họa bức chân dung nhân vật chính một cách tự nhiên, và thể hiện chủ đề của tác phẩm về cuộc sống lao động, sự hy sinh thầm lặng của những con người nơi đây.
Nội dung đầu tiên mà tác giả Nguyễn Thành Long tập trung khai thác trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của nơi đây. Điều đó được thể hiện trong một đoạn văn miêu tả khá dài phần đầu truyện “Nắng bây giờ… luồn cả vào gầm xe”. Tác giả tập trung nói về những điểm đặc sắc của nơi đây với vẻ uốn lượn của các chặng đèo, sự xuất hiện tự nhiên của các đàn bò lang, cổ đeo chuông, ánh nắng, cây thông, hoa tử kinh… Đặc biệt là vẻ đẹp đặc sắc của mây thông các phép nhân hóa, so sánh độc đáo. Từ đó thiên nhiên Sa Pa dã hiện lên với dáng vẻ trong trẻo, tự nhiên và vô cùng nên thơ hấp dẫn người đọc.
Nội dung thứ hai mà tác phẩm chú trọng đó chính là vẻ đẹp của con người được tác giả lần lượt khắc họa trong truyện thông qua nhân vật anh thanh niên, bác họa sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kỹ sư vườn rau, anh kỹ sư nghiên cứu bản đồ rét… Đầu tiên nhân vật anh thanh niên hiện lên với hoàn cảnh sống và làm việc đặc biệt. Một chàng trai hai mươi bảy tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu, tại đỉnh Yên Sơn cao 2600m so với mực nước biển, nhiệm vụ chính là đo gió, đo mưa… để dự báo thời tiết. Có thể nói rằng đây là một hoàn cảnh sống và làm việc vừa cô đơn, vừa khắc nghiệt đặc biệt là đối với con người trẻ tuổi, tràn đầy sức sống như anh thanh trong truyện. Ở nhân vật này hiện lên những vẻ đẹp tâm hồn rất đáng quý, có những suy nghĩ đẹp về công việc, gắn bó với công việc, yêu công việc, coi lao động, coi nghề nghiệp của mình là niềm vui trong cuộc sống. Đồng thời nhân vật này cũng ý thức rất rõ về giá trị của công việc, cũng như nhiệm vụ của mình với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó ở nhân vật anh thanh niên còn có những suy nghĩ đẹp về cuộc sống, khi biết tự tìm câu trả lời cho giá trị của bản thân, về ý nghĩa của cuộc sống. Đồng thời bản thân anh cũng cảm thấy hạnh phúc khi làm được những điều có ích cho xã hội, đóng góp công sức vào việc kiến thiết đất nước. Không chỉ vậy hình tượng anh thanh niên còn được thể hiện thông qua những nét đẹp về tính cách như sự cởi mở, chu đáo với mọi người (tặng hoa cho cô kỹ sư, tặng trứng cho ông họa sĩ, cho bác lái xe tam thất…), đức tính khiêm tốn giản dị (từ chối được ông họa sĩ vẽ), lối sống ngăn nắp, tỉ mỉ…
Nhân vật cô kĩ sư, cũng là một nhân vật đáng chú ý trong tác phẩm, là một kỹ sư mới ra trường, hăng hái xung phong lên Lào Cai nhận công tác, vừa bước qua cuộc đời sinh viên tươi đẹp, dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội và mối tình nhạt nhẽo vô vị. Cuộc gặp gỡ vô tình với anh thanh niên đã truyền cho cô sức mạnh và thắp lên cho cô niềm tin, tình cảm lớn lao với lý tưởng cao đẹp về cuộc sống lao động phục vụ Tổ quốc, xã hội.
Nhân vật bác lái xe là nhân vật dẫn truyện, đóng vai trò giúp anh thanh niên xuất hiện, với tính cách vui tính cởi mở, khiến cho câu chuyện trở nên sống động và vui vẻ hơn. Ông kỹ sư vườn rau, gây ấn tượng với những hành động thú vị như rình xem ong thụ phấn cho hoa, tự thụ phấn cho su hào… khiến anh thanh niên cảm thấy cuộc sống thật thú vị, tươi đẹp và trở nên yêu đời hơn. Anh kỹ sư nghiên cứu bản đồ rét luôn trong tư thế sẵn sàng chờ rét, thấy sấm thấy sét vội vàng chạy ra chuẩn bị làm nhiệm vụ, sống cô đơn mười một năm không lấy vợ, trán hói dần đi theo số tuổi, một lòng nghiên cứu bản đồ rét. Tất cả những nhân vật này đều cho thấy sự tận tụy, hy sinh hết mình vì công việc, họ yêu công việc, coi lao động là vinh quang, là lý tưởng sống cao đẹp, đáng quý vô cùng.
Nghệ thuật chính trong “Lặng lẽ Sa Pa” là sự kết hợp tuyệt vời giữa các yếu tố trữ tình, tự sự và bình luận. Hình ảnh truyện nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị, lãng mạn. Tình huống truyện đơn giản, các nhân vật được khắc họa tỉ mỉ với những nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của tác giả Nguyễn Thành Long. Tác phẩm đã khai thác và khắc họa thành công những hình ảnh những người lao động bình thường, mà tiêu biểu nhất là hình tượng anh thanh niên làm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Qua đó khẳng định vẻ đẹp của những con người lao động không ai nhớ mặt đặt tên, đồng thời ca ngợi sự hy sinh thầm lặng, ngày ngày đóng góp cho Tổ quốc của họ.
Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 3
Tập trung nhiệt thành ngợi ca những con người lao động mới, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó khăn gian khổ, say mê trong lao động sáng tạo, nhân hậu và tha thiết yêu cuộc sống là một trong những thành công của văn học Việt Nam khi viết về công cuộc xây dựng đất nước trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong số những thành công đó có Nguyễn Thành Long và truyện ngắn “Lặng Lẽ Sa Pa”.
Nhà văn Nguyễn Thành Long (1925 – 1991), quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp. Sở trường của ông là viết truyện ngắn và bút kí. Nguyễn Thành Long quan niệm lao động nghệ thuật là một con đường gian khổ đòi hỏi người cầm bút phải có cá tính sáng tạo. Truyện của Nguyễn Thành Long hấp dẫn người đọc bằng văn trong sáng, giàu chất thơ, nhẹ nhàng thoải mái, cốt truyện tưởng như giản đơn mà rất giàu ý nghĩa khái quát. Tác phẩm đã xuất bản gồm các tập truyện: Bát cơm Cụ Hồ (1955); Chuyện nhà chuyện xưởng (1962); Những tiếng vỗ cánh (1967); Giữa trong xanh (1972); Nửa đêm về sáng (1978); Lý Sơn mùa tỏi (1980); Sáng mai nào, xế chiều nào (1984); Lặng lẽ Sa Pa (1990)… Ông đã được Giải thưởng Phạm Văn Đồng với tập truyện kí “Bát cơm Cụ Hồ” (1953).
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được nhà văn Nguyễn Thành Long viết năm 1970 sau chuyến đi Lào Cai. Đây là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Truyện viết về một thị xã nhỏ bé của tỉnh Lào Cai luôn chìm đắm trong sương mù là Sa Pa. Đến với nơi ấy là những con người thật đẹp: một anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, một cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, một bác lái xe già đã chạy suốt ba mươi năm trên tuyến đường Sa Pa, một họa sĩ đi thực tế chuyến đi cuối của cuộc đời công, tác trước lúc nghỉ hưu. Bốn gương mặt tiêu biểu, bốn tính cách khác nhau: Anh thanh niên đầy nhiệt huyết bộc trực, chân thành; Cô kỹ sư trẻ hồn nhiên nhưng kín đáo, tế nhị; Ông họa sĩ trầm tĩnh, sâu lắng; Còn bác lái xe thì sôi nổi, vui tính… Họ tình cờ gặp nhau trên đường tới Sa Pa mà bỗng trở nên gần gũi và thân thiết như trong một gia đình. Tuy tính cách và nghề nghiệp khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tâm hồn trong sáng, tinh tế, một suy nghĩ lành mạnh, sâu sắc, và nhất là họ có chung một thái độ sống, lao động, làm việc và cống hiến hết mình cho Tổ quốc một cách vô tư, hồn nhiên, âm thầm và lặng lẽ (Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường).
“Lặng lẽ Sa Pa” có một cốt truyện đơn giản. Chỉ là cuộc hội ngộ giữa bốn người: ông họa sĩ già, cô kĩ sư mới tốt nghiệp, bác lái xe và anh thanh niên phụ trách trạm khí tượng trên núi Yên Sơn. Tác giả không hề cho biết tên của các nhân vật. Qua cuộc hội ngộ của những con người “không có tên” ấy, hiện ra chân dung con người lao động thầm lặng, trên cái nền lặng lẽ thơ mộng của Sa Pa. Câu chuyện về cuộc hội ngộ chỉ diễn ra trong vòng ba mươi phút, người họa sĩ chỉ kịp phác thảo bức chân dung của mình nhưng chân dung của chàng thanh niên, của những con người đang cống hiến tuổi xuân ngày đêm lặng lẽ làm việc thì đã hiện ra rõ nét. Chân dung ấy hiện ra trước hết qua sự giới thiệu của bác lái xe vui tính, qua sự quan sát, cảm nhận suy ngẫm nhà nghề của bác họa sĩ, qua sự cảm nhận của cô gái trẻ và qua sự tự họa của chàng trai. Thông qua một tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa, tác giả khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Truyện xây dựng tình huống hợp lý, cách kể chuyện tự nhiên; miêu tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn; ngôn ngữ chân thực giàu chất thơ và chất họa; có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.
Nguyễn Thành Long và “Lặng lẽ Sa Pa” mãi là một bài ca tuyệt đẹp về những con người, những bàn tay, khối óc đang từng ngày bền bỉ, thầm lặng cống hiến góp phần đổi mới đất nước từng ngày.
Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 4
Sa Pa – cái tên khi mới nghe nói đến người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Nhưng ai đã từng đọc tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long thì chắc hẳn sẽ có những suy nghĩ khác. Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, vẫn có những con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước.
“Lặng lẽ Sa Pa” là tác phẩm của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè của Nguyễn Thành Long. Ông đã khắc hoạ thành công hình ảnh một anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Với một ý thức trách nhiệm, một tinh thần tự nguyện, một lòng say mê nghề nghiệp và những đức tính tốt khác, anh thanh niên đã trở thành một hình tượng điển hình của người lao động.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình”. Đây là một câu nói vô cùng ý nghĩa khi nhắc đến hình ảnh anh thanh niên. Trong truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Thành Long đã cho ta thấy được vẻ đẹp của Sa Pa thật độc đáo và đầy chất thơ. Đồng thời tác giả cũng giới thiệu với chúng ta về vẻ đẹp của con người nơi đây. Những con người miệt mài làm việc, nghiên cứu khoa học trong cái lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người.
Truyện kể về cuộc sống làm việc của nhân vật anh thanh niên – một cán bộ khí tượng kiêm vật lý địa cầu, anh sống một mình trên đỉnh núi cao, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo của Sa Pa. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”, những việc luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Công việc cực kỳ gian khổ nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành một cách nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm “gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. “Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm… gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ trực đợi mình ra là ào ào xơi tới”. Tuy khó khăn là thế, nhưng anh rất yêu công việc của mình: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao có thể là một mình được. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất’’. Anh luôn cảm thấy hạnh phúc và gắn bó với công việc của mình, công việc đã trở thành một người bạn không thể thiếu đối với anh.
Người lặng lẽ mà không lặng lẽ, tuy sống một mình nhưng anh không cảm thấy đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người trò chuyện, nghĩa là có sách ấy mà”. Sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy luôn làm chủ được bản thân, lạc quan và yêu đời, biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định về vật chất, tinh thần “Trước nhà anh trồng cả một vườn hoa đủ màu sắc, anh còn nuôi được một đàn gà đẻ trứng ăn không hết, một gian nhà nhỏ nhưng gọn gàng và ngăn nắp”. Nhưng cái gian khổ nhất là vượt qua được sự cô đơn, vắng vẻ quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao, không một bóng người. Mới đầu, anh thèm người tới mức phải lấy cây chắn ngang đường ôtô để được nghe tiếng người. Nhưng sau anh lại nghĩ: “Nếu đó chỉ là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì thật xoàng” và anh đã vượt qua để sống và làm việc một mình với cây cỏ thiên nhiên Sa Pa, để trở thành ”người cô độc nhất thế gian”.
Tuy vậy, nhưng anh không dần thu mình trong sự cô đơn, vắng vẻ ấy. Sự hiếu khách, quan tâm đến người khác một cách chu đáo, đã gây thiện cảm giữa anh với ông họa sĩ già và cô kỹ sư trẻ ngay từ những phút đầu gặp gỡ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong anh: Anh biếu bác lái xe củ tam thất, mừng quýnh khi đón quyển sách bác mua hộ, hồ hởi đón mọi người lên thăm nhà, hồn nhiên kể về công việc, về những người đồng nghiệp và cuộc sống nơi Sa Pa lặng lẽ. Ai có thể quên được, việc làm đầu tiên của anh khi có khách lên thăm”. Anh hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết, nước chè cho ông họa sĩ, làn trứng ăn đường cho hai bác cháu… Tất cả không chỉ chứng tỏ là người con trai tâm lý mà còn là kỷ niệm, lòng quan tâm sốt sắng, tận tình đáng quý của anh.
Ta còn bắt gặp ở người thanh viên là người rất mực khiêm tốn và trung thực, anh cảm thấy công việc, những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh ngượng ngùng khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh hào hứng giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn mình: “Bác đừng vẽ cháu, nhiều người khác ở dưới kia đáng vẽ hơn cháu như ông kĩ sư nghiên cứu thụ phấn ở vườn su hào, anh thanh niên nghiên cứu bản đồ sét”. Những đóng góp của mọi người anh vẫn luôn coi là quan trọng và xứng đáng hơn mình, thật đáng trân trọng bởi con người có cách nghĩ và nhìn nhận như thế. Dù còn trẻ nhưng anh rất thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa, thấm thía cả sự hy sinh thầm lặng của những người đang ngày đêm làm việc. Cuộc sống giản dị nhưng cao đẹp làm nên vẻ đẹp đích thực của mỗi con người, có sức thuyết phục lan tỏa tới những người xung quanh.
“Lặng lẽ Sa Pa” – ngân vang trong lòng ta những rung động nhẹ nhàng mà thú vị về những con người âm thầm lãng lẽ nhưng đáng yêu. Họ sống cống hiến cho nhân dân, cho dân tộc và đã dệt lên bài ca về tình yêu Tổ Quốc, tình yêu đất nước. Họ như những ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời đêm, nhưng sáng bằng những đóng góp thầm lặng của họ. Phải chăng nhà văn muốn nhắn gửi đến cho mỗi chúng ta. Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hy sinh lớn lao và thầm lặng như người thanh niên nơi Sa Pa lặng lẽ ấy, họ khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng và đáng tin yêu. Là học sinh, chúng ta hãy cố gắng học tập để mai sau có thể góp công sức để xây dựng đất nước, là những chủ nhân tương lai của Tổ Quốc.
Thuyết minh về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 5
Nhà văn Nguyễn Thành Long trong suốt sự nghiệp sáng tác đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Một trong số đó là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” sẽ được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
Nguyễn Thành Long (1925 – 1991), quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông viết văn từ thời còn kháng chiến chống thực dân Pháp. Các tác phẩm của ông chủ yếu thuộc thể loại truyện ngắn và kí. Một số tác phẩm như: Ta và chúng nó (tập truyện ngắn, 1950), Bát cơm Cụ Hồ (tập bút ký, 1952), Gió bấc gió nồm (tập bút ký, 1956), Hướng điền (tập truyện ngắn, 1957), Tiếng gọi (truyện, 1960)… Nguyễn Thành Long nhận được giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội văn nghệ liên khu V trao tặng vào năm 1953 cho tập bút ký “Bát cơm Cụ Hồ” (1952). Ngày 25 tháng 7 năm 2008, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyển đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của nhà văn. Truyện được in trong tập “Giữa trong xanh” (xuất bản năm 1972). Ngay từ nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn đã thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm. Vẻ đẹp thiên nhiên Sa Pa hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng. Nhưng ẩn chứa trong đó là những con người lao động bình dị. Họ đang ngày đêm cống hiến âm thầm cho đất nước.
Nội dung chính của “Lặng lẽ Sa Pa” kể về anh thanh niên làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn thời tiết khắc nghiệt. Công việc chính của anh thực hiện công tác khí tượng để cung cấp các số liệu thời tiết đã thu thập được. Trong một lần nọ, anh được gặp gỡ với những người ở xuôi đó là ông họa sĩ và cô kĩ sư đến thăm. Anh đã kể cho họ nghe về công việc cũng như cuộc sống hàng ngày của mình. Tuy công việc vất vả nhưng anh vẫn tự giác thực hiện mỗi ngày. Ông họa sĩ là người đã phát hiện ra phẩm chất cao quý, tâm hồn chân thực của anh nên muốn vẽ một bức chân dung về anh. Nhưng anh đã từ chối và giới thiệu cho ông những người mà anh cho là xứng đáng hơn. Khi ra về, anh tặng cho họ một làn trứng. Qua chuyến đi đó, anh thanh niên để lại những ấn tượng tốt đẹp cho ông họa sĩ và cô kĩ sư về những người lao động âm thầm cống hiến sức lực của mình cho đất nước.
Như vậy, thông qua “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn đã khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình sống trên đỉnh núi cao. Từ đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động, cũng như ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Làm nên thành công của tác phẩm là phải kể đến việc nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự trữ tình với bình luận. Các nhân vật được khắc họa qua cái nhìn của các nhân vật khác chính vì vậy mà hiện lên chân thực hơn.
Tóm lại, “Lặng lẽ Sa Pa” là một tác phẩm giàu giá trị nội dung cũng như nghệ thuật. Với truyện ngắn này, Nguyễn Thành Long đã đóng góp một tác phẩm hay vào kho tàng văn học.
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Bài văn mẫu 1
Văn học Việt Nam được sáng rực nhờ nhiều những cây bút tên tuổi luôn nỗ lực, cố gắng dựng xây và đóng góp cho văn đàn. Từng thời kì văn học đều có những nhà văn luôn hết mình nỗ lực dựng xây quê hương như thế. Trong số đó, ta không thể không kể đến Nguyễn Thành Long. Nhà văn Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Về tác giả Nguyễn Thành Long, ông sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, nguyên quan tại Quy Nhơn, Bình Định. Ông sinh ra trong thời kì kháng chiến chống Pháp, 1925 và mất vào năm 1991, khi đất nước ta thống nhất. Từ đó có thể khẳng định rằng cuộc đời Nguyễn Thành Long ít nhiều chịu tác động của hoàn cảnh lịch sử. Bút danh Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo gắn bó với ông. Sự kiện đánh dấu tiếp xúc với văn chương, nghệ thuật của ông phải kể để đến thời gian năm 18 tuổi ông chuyển ra học ở Hà Nội và có viết cho báo Thanh Nghị. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tích cực tham gia hoạt động văn nghệ ở Nam Trung Bộ và bắt đầu viết văn.
Hoàn cảnh lịch sử 1954 xảy đến, Nguyễn Thành Long chuyển về sáng tác và biên tập ở các báo chí, nhà xuất bản tại miền Bắc. Có thời gian ông còn tham gia dạy ở trường viết văn Nguyễn Du, một ngôi trường nổi tiếng về văn nghiệp ở Hà Nội. Sau này, ông mất tại Hà Nội ngày 6 tháng 5 năm 1991 vì bệnh ung thư đại tràng. Cái chết của ông buồn thỉu khi người vợ trong cảnh lặng lẽ khi v đi công tác nước ngoài, con đi học nước ngoài, một con nhỏ đi học. Cuộc đời trầm buồn của một văn sĩ đã kết thúc như thế.
Về thể tài, ông chính là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và ký. Ông đã xây dựng được ngôn ngữ giàu chất thơ, trong trẻo, nhẹ nhàng. Những truyện ngắn nổi bật của ông như : Bát cơm Cụ Hồ (1952), Gió bấc gió nồm (1956), Hướng điền (1957), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Trong gió bão (1963), Gang ra (1964), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972), Nửa đêm về sáng (1978), Lý Sơn mùa tỏi (1980), Sáng mai nào, xế chiều nào (1984),… đều là những ấn tượng lớn trong lòng bạn đọc.
Về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, đây là truyện ngắn đặc sắc tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long. Truyện được viết trong chuyến đi Lào Cai năm 1970. Đó là thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam đang tiếp tục kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm được in trong tập Giữa trong xanh. Và có thể khẳng định, truyện ngắn này đã góp phần khẳng định tên tuổi và giúp Nguyễn Thành Long rực sáng trên thi đàn.
Lặng lẽ Sa Pa xây dựng câu chuyện về nhân vật anh thanh niên, người lao động trẻ tuổi mang trong mình hoài bão và lý tưởng cống hiến. Qua truyện này, ta có thể thấy được tấm lòng cùng tài năng của nhà văn. Ông đã tạo nên một thế giới trữ tình, khắc họa chân dung rất chuẩn, rất đúng những người lao động. Nhờ đó, tác phẩm như mang sức lan tỏa và kích thích, động viên tinh thần người trẻ xây dựng đất nước, tạo dựng chủ nghĩa xã hội.
Tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Thành Long cùng truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa giúp mỗi bạn đọc có hình dung cụ thể về việc hiểu hơn tác phẩm, hiểu hơn câu chuyện tiểu sử. Và đó cũng là nhân tố quan trọng để nhà văn, để chính chúng ta thêm bồi dưỡng kiến thức cho bản thân mình.
Bài văn mẫu 2
Qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận ta có thể thấy không khí lao động vui tươi sôi nổi của những ngư dân miền biển. Từ đó cũng có thể cảm nhận ra khí thế sôi nổi trong cuộc sống lao động sau cuộc kháng chiến chống Pháp thành công rực rỡ và đó đã là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ. Nguyễn Thành Long cũng thế – một tác giả đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bạn đọc qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.
Nguyễn Thành Long sinh năm 1925 mất năm 1991, quê ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1946 đến năm 1954 ông hoạt động văn nghệ ở liên khu 5, sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc và chuyên tâm và sáng tác. Ông là một trong những cây bút văn xuôi để lại nhiều dấu ấn trong những năm 1960 – 1970 chuyên viết về truyện ngắn và ký, là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Đề tài sáng tác của ông thường hướng vào cuộc sống sinh hoạt lao động đời thường với phong cách văn xuôi nhẹ nhàng tình cảm giàu chất thơ ánh lên vẻ đẹp của con người mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Các tác phẩm chính của ông như “Bát cơm cụ Hồ”, “Gió bấc gió nồm” (1956), “Giữa trong xanh” (1972),…
Truyện kể rằng: trong một chuyến xe lên Lào Cai, bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kỹ sư trẻ tình cờ quen nhau. Khi đi qua khu nghỉ mát ở Sa Pa, bác lái xe đã giới thiệu cho họ quen với anh thanh niên -người cô độc nhất thế gian trong 30 phút nghỉ giải lao. Anh làm công tác khí tượng kiêm Vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Anh ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo mây,…. Qua cuộc trò chuyện, họ hiểu hơn về cuộc sống của anh thanh niên cũng như con người anh. Sau 30 phút họ phải chia tay nhau, ông họa sĩ ngỏ ý sẽ quay lại đây và anh thanh niên cảm thấy rất vui. Trước khi họ đi anh còn tặng cho họ một giỏ trứng lớn,cô kĩ sư cũng cảm thấy yên tâm hơn khi lên Lào Cai công tác.
Về nội dung, truyện giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp hình tượng của nhân vật chính – anh thanh niên với những suy nghĩ sâu sắc, lòng yêu nghề, cách sống tốt đẹp, chân thành, hiếu khách, khiêm tốn. Truyện còn ca ngợi thế giới những con người như anh và qua đó tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc: trong cái im lặng của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước từ đó gợi mở ra niềm vui của lao động tự giác vì những mục đích chân chính của con người.
“Lặng lẽ Sa Pa” không chỉ là một tác phẩm thành công về nội dung mà nó còn để lại dấu ấn về nghệ thuật. Với cốt truyện khá đơn giản xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa anh thanh niên ông họa sĩ và cô kỹ sư. Đáng chú ý hơn hết đó chính là nghệ thuật trần thuật của truyện: chuyện được trần thuật từ điểm nhìn và suy nghĩ của ông họa sĩ, dù không là nhân vật chính nhưng ông họa sĩ có vai trò quan trọng trong truyện cùng với các nhân vật khác góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhà văn không hề đặt cho nhân vật của mình những cái tên riêng cụ thể mà gọi theo tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính. Trong truyện chất thơ luôn đi liền với chất hoạ, xuất hiện xen giữa cuộc trò chuyện giữa ba người là vẻ đẹp thanh bình của Sa Pa.
Có thể thấy Nguyễn Trung Thành đã để lại tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc với nhiều ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc qua tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”. Thật vậy đó là dấu ấn về chất thơ bàng bạc trong truyện cùng cách xây dựng nhân vật linh hoạt, hấp dẫn người đọc. Đọc xong truyện, em biết trân quý hơn những con người đã và đang lặng lẽ dâng hiến cho Tổ quốc và từ đó mở ra bài học đối với thế hệ trẻ chúng em cần có sức mình để làm cho đất nước bền vững hơn.