Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội gồm 4 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.
Bạn đang đọc: Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội (Dàn ý + 4 Mẫu)
TOP 4 bài nghị luận về một vấn đề xã hội cực chất sau đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú. Các em hãy đọc kĩ từng đoạn văn, từng bài văn rồi suy nghĩ, tham khảo, chứ không sao chép một cách máy móc. Bên cạnh đó các em xem thêm bài văn nghị luận về tình yêu thương.
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
Dàn ý nghị luận về một vấn đề xã hội
1/ Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề
– Nêu vấn đề
– Nêu thao tác nghị luận và phạm vi tư liệu
2/ Thân bài
– Ý 1: Giải thích vấn đề (Trả lời câu hỏi: Hiểu như thế nào ? Câu nói có ý nghĩa như thế nào ? Ý kiến thể hiện quan niệm gì?…)
– Ý 2: Bàn luận về các khía cạnh, các biểu hiện của vấn đề – dùng các dẫn chứng làm sáng tỏ từng khía cạnh, biểu hiện của vấn đề (đặt câu hỏi: Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Ở đâu? Bao giờ ? Tại sao ? Có thể lấy dẫn chứng nào làm sáng tỏ?…)
– Ý 3: Khẳng định mặt đúng, ý nghĩa tích cực của vấn đề – Phê phán những biểu hiện lệch lạc trên quan điểm đúng của vấn đề. (tại sao đúng, tại sao sai, đúng chỗ nào, sai chỗ nào? Những biểu hiện lệch lạc, sai trái? Nhìn vấn đề ở góc nhìn thời đại…)
– Ý 4: Rút ra bài học cho bản thân (ý nghĩa về mặt nhận thức, hiểu ra điều gì ? Nhận ra vấn đề có ý nghĩa như thế nào đối với tâm hồn, lối sống của bản thân ? Ý nghĩa về phương hướng hành động – Phải làm gì?…)
– Giải thích
– Phân tích
– Chứng minh
– Bình luận
3/ Kết bài
– Khẳng định ý kiến bản thân về vấn đề đó.
– Ý nghĩa vấn đề đối với con người, cuộc sống.
Nghị luận về tình yêu tuổi học trò
Tình yêu, thứ tình cảm đẹp nhất trên đời. Đó có thể là tình yêu quê hương, đất nước. Yêu gia đình, yêu quý bạn bè, những người xung quanh. Hoặc có thể là tình yêu trai gái. Mỗi loại đều có những ý vị khác nhau, đem lại cảm xúc khác nhau cho con người. Và thứ tình cảm đẹp, thiêng liêng nhất, phải nói tới tình yêu tuổi học trò. Thứ tình cảm, ngây thơ, trong sáng, đẹp như ánh nắng ban mai.
Tình yêu học trò, chẳng còn gì xa lạ với cuộc sống hiện đại. Người ta vẫn nói rằng, tuổi trẻ là tuổi của hành động, là tuổi của ước mơ hoài bão. Đúng là vậy, tuổi học trò là tuổi của thanh xuân. Là tuổi của những bắt đầu mới, những khát vọng tương lai.
Tình yêu luôn là thứ thiêng liêng nhất trên đời. Là thứ được nhiều người ca tụng nhất. Con người, nếu không có tình yêu, họ sẽ sống một cuộc sống cô đơn, nhàm chán. Tình yêu giống như mùa xuân ươm mầm cho sự sống. Giống như ánh nắng ban mai chiếu rọi tâm hồn. Tình yêu đẹp thế đấy, và tình yêu học trò lại càng đẹp hơn.
Tuổi học trò, lứa tuổi của những mầm non mới nhú, tuổi của khám phá cuộc sống. Những người học trò đang trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Họ không ngừng tìm tòi, khám phá cuộc sống xung quanh. Những mối quan hệ mới cũng được họ chú ý. Là tuổi mà việc tò mò về giới tính của mình là một nhu cầu của họ. Với độ tuổi giữa chừng, nửa bước thành trẻ con, nửa người lớn. Tình yêu ở họ cũng vô cùng đẹp.
Thứ tình yêu tuổi học trò, khi mà hai người thích nhau cũng chẳng dám công khai. Chỉ len lén nhìn nhau, trao đổi những bức thư tuyệt mật. Bởi họ sợ nếu ai biết được sẽ làm trò cười cho cả lớp, hay bị bạn bè chọc ghẹo, mách cô. Cái tình cảm mà chỉ cần một cái nắm tay, cũng đủ làm cho hai người phải xao xuyến. Chẳng dám ngồi chung xe, chẳng dám ngồi chung bàn. Thứ tình cảm mà cứ ấp ủ, giấu giếm, không dám công khai trước mọi người thật đẹp. Đẹp ở chỗ, đó là thứ tình cảm ngây thơ, trong sáng. Chẳng có một chút tạp chất nào pha vào trong cả. Chỉ đơn thuần là hai người thích nhau, quan tâm nhau nhưng lại chẳng dám lại gần.
Tình yêu học trò đẹp vậy đấy, như một bức tranh tươi đẹp, hoàn mĩ. Nhưng xã hội hiện đại, đã làm cho tình yêu học trò có nhiều biến tướng. Với sự hội nhập không ngừng, con người tiếp thu được nhiều những văn hóa ngoại lai. Dẫn đến tác động không nhỏ về nhiều mặt trong đời sống, trong đó có giới trẻ. Tình yêu ngây thơ, trong sáng tuổi học trò đã không còn được như trước. Những cô cậu học trò đã trở lên mạnh bạo hơn,có những hành động, hành vi mất thẩm mĩ, mất đi vẻ đẹp của tình yêu học trò. Nhiều trường hợp công khai mối quan hệ trước tập thể mà chẳng ngại ngần gì, nắm tay, ôm nhau trong lớp. Những hình ảnh học trò ôm, hôn nhau trong lớp cũng chẳng còn gì xa lạ trong cuộc sống hiện tại. Hơn thế nữa, việc không kiểm soát được hành vi của mình khiến các đôi trẻ làm hành động vượt quá độ tuổi. Không ít những hậu quả ngoài ý muốn mà những cô, cậu học trò gây ra. ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học, tới tương lai sau này của chính họ.
Mạng xã hội phát triển, những câu xưng “ chồng”, “vợ” của những cậu bé, cô bé vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường thì xuất hiện tràn lan. Chẳng còn giữ ý tứ, cũng chẳng quan tâm tới những người xung quanh. Những học trò ấy vẫn cứ hồn nhiên vô tư như chỗ không người.
Tình yêu học trò đẹp, bởi nó là thứ tình yêu thuần khiết, trong sáng. Không pha lẫn những thứ tạp niệm, không thuộc về độ tuổi. Hãy biết yêu thương một cách đúng mực, tự làm chủ hành vi của bản thân mình. Ai cũng chỉ có một lần bước qua tuổi học trò, hãy yêu đúng nghĩa. Để cảm nhận hết được vẻ đẹp của cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng ấy. Cuộc sống luôn tươi đẹp, đừng làm những điều sai trái để rồi phải hối hận.
Nghị luận thái độ thờ ơ của con người với môi trường
Hiện nay, môi trường đang là vấn đề nhức nhối, và cũng là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. Nhưng đáng buồn thay, mọi người vẫn đang có thái độ thờ ơ đối với môi trường xung quanh mình.
Môi trường của chúng ta bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo có ở xung quanh cuộc sống hàng ngày. Môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm, từ đó gây ra những chất độc hại tác động xấu đến con người. Môi trường ô nhiễm xuất phát từ việc các nhà máy thải khí thải lên bầu trời, hay từ các loại xe máy, xe ô tô càng nhiều khiến cho khí cacbon khổng lồ được thải lên bầu trời và trong không khí. Việc mà mọi người sử dụng đồ nhựa cũng là hành động gây nên ô nhiễm môi trường trầm trọng và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tận mai sau. Việc đất đai bị thoái hóa, nhiễm độc, nhiễm phèn sẽ khiến cho nguồn đất, nguồn nước bị khan hiếm và trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến việc mọi người vẫn còn có thái độ thờ ơ đó là về lối sống. Con người hiện nay đang quá sống ảo, chưa quan tâm đến những điều xung quanh bản thân. Môi trường tưởng chừng như là một việc lớn lao. Nhưng thực chất nó bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chúng ta khi đi chợ vẫn còn dùng những chiếc túi ni lông để mua hàng, điều đó cũng sẽ góp phần gây ảnh hưởng đến môi trường. Hay nhiều vấn đề khác nữa nhưng chúng ta luôn thờ ơ. Khi thấy người khác gây ô nhiễm môi trường mà con người vẫn thèm không quan tâm vì nghĩ đó không phải là việc của mình.
Đặc biệt là giới trẻ hiện nay, phần lớn các bạn thờ ơ, không quan tâm đến môi trường. Chúng ta không nên thờ ơ mà cần phải quan tâm và có những hành động cấp thiết để bảo vệ môi trường. Bản thân em cũng cần phải có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh về việc bảo vệ môi trường. Và không chỉ nói, tuyên truyền mà còn cần có những hành động thiết thực như tự bảo vệ môi trường xung quanh mình. Bên cạnh đó, những cơ quan có thẩm quyền hãy lên án những hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường.
Hãy chung tay bảo vệ cuộc sống xanh-sạch-đẹp cho mình, cho người xung quanh và cho toàn xã hội. Điều này không chỉ tốt cho chúng ta mà còn cho thế hệ sau này.
Nghị luận về tinh thần trách nhiệm
Cuộc sống càng hiện đại và phát triển thì đi cùng nó cũng là sự bận bịu lo toan cho cuộc sống khiến con người ta mệt mỏi, và một lúc nào đó tự đánh mất sự nghiêm khắc với chính bản thân, nhiều người trở nên vô trách nhiệm với chính việc mình đã làm. Ở một khía cạnh khác, công nghệ dần thống trị cuộc sống, để rồi ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng chung, ta trở nên ích kỉ hơn, vô trách nhiệm hơn. Nếu mỗi cá nhân cứ tiếp diễn như vậy, có lẽ chỉ một khoảnh khắc thôi nó sẽ bám rễ trong cuộc sống của ta, của cả thế hệ sau nữa. Vậy chúng ta còn chờ đợi gì mà không thay đổi, để sống có tinh thần trách nhiệm, không phải vì xã hội mà là vì chính bản thân bạn đã.
Vậy để hiểu rõ hơn về vấn đề này trước tiên chúng ta phải biết và hiểu về thế nào là trách nhiệm, thế nào là tinh thần trách nhiệm? Câu trả lời không hề khó khăn như bạn nghĩ, nó đơn giản vô cùng, trách nhiệm là nhiệm vụ, nghĩa vụ mà ta phải hoàn thành khi được người khác giao cho, người có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn sẵn sàng dốc hết sức lực và nhiệt huyết để hoàn thành công việc, dù có khó khăn đến mấy nhưng họ vẫn cố gắng hoàn thành. Kể cả khi họ phạm lỗi, họ cũng dám đứng ra sửa sai và nhận lỗi lầm đó về mình.
Nếu bạn là một người học sinh, bạn cần có tinh thần trách nhiệm không? Tất nhiên ai cũng cần phải có đức tính này và học sinh cũng không ngoại lệ. Học tập là một quá trình khó khăn và đầy thử thách, nếu mỗi chúng ta không tự có trách nhiệm với bản thân mình thì sẽ không thể đạt được kết quả tốt trong học tập. Cùng là học sinh, cùng nhận thức chung một nền giáo dục nhưng tại sao lại có những em học sinh giỏi và những em học sinh cá biệt yếu kém. Câu trả lời là những em học sinh giỏi đã sớm rèn luyện cho mình phải có tinh thần trách nhiệm trong việc học tập của bản thân. Việc cố gắng học tập, tìm tòi các phương pháp mới sẽ khiến việc học trở lên lý thú hơn. Không phải học nhồi nhét là tốt, mà học phải đi đôi với hành, vận dụng những kiến thức được học vào đời sống để làm cuộc sống ý nghĩa hơn mới gọi là học. Nhưng nhiều em học sinh vẫn còn lười biếng, ngại khó không dám học, hoặc học vẹt, học tủ một cách qua loa. Việc vô trách nhiệm trong học tập đó đã khiến một số bạn ngày càng bỏ bê việc học, làm kết quả học tập dần thụt lùi, thua kém bạn bè.
Không chỉ trong học tập, học sinh chỉ cần những hành động nhỏ như không đi học muộn, chấp hành luật an toàn giao thông, không xả rác, không hút thuốc, uống rượu, giữ gìn vệ sinh chung… cũng là đóng góp cho xã hội, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Trái ngược với những người có tinh thần trách nhiệm, chúng ta cũng có thể bắt gặp sự vô trách nhiệm ở bất kì ai, bất cứ đâu và trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhà nước và các tổ chức vẫn thường hay tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta, thế nhưng tại sao môi trường vẫn không được cải thiện, thậm chí ngày càng trở nên trầm trọng. Câu trả lời là vì cái lợi trước mắt, với một số người thì họ chỉ vứt vài mẩu rác bừa bãi; hay công ty, xí nghiệp thì cho rằng đổ nước thải chưa qua xử lý ra các con sông rộng lớn vừa nhanh lại không tốn chi phí tái chế, và sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Thế nhưng một người, hai người rồi mọi người đều làm như thế, cả một cộng đồng thiếu ý thức trách nhiệm thì chỉ khiến cho vấn đề trở ô nhiễm trở nên nghiêm trọng và rất khó để cứu vãn được.
Vậy để sống có tinh thần trách nhiệm thì ta phải làm gì? Trước tiên mỗi chúng ta hãy học cách sống có trách nhiệm trước đã. Sống có trách nhiệm với bản thân mình rồi mới sống có trách nhiệm với người xung quanh. Có trách nhiệm với bản thân chính là việc bạn phải tự hoàn thiện bản thân mình sao cho tốt, không để những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội cám dỗ bạn, không trở thành một học sinh có lối sống lệch lạc về tư tưởng và đạo đức. Bạn hãy đặt ra yêu cầu với chính bản thân từ những việc nhỏ nhất diễn ra hàng ngày như dậy đúng giờ đi học, giúp đỡ cha mẹ việc nhà, ôn lại bài cũ, chấp hành đúng nội quy của nhà trường, của lớp ….đó chính là một cách đơn giản để thể hiện bạn là một người có tinh thần trách nhiệm.
Là một học sinh, em cũng nhận ra trách nhiệm của mình không chỉ có mỗi việc học mà còn phải giúp đỡ bố mẹ việc nhà, trở thành một người con ngoan trò giỏi, góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh hơn. Em sẽ cố gắng trở thành một người có tinh thần trách nhiệm, có ích cho xã hội.
Nghị luận về sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ
Thần tượng là những cá nhân hay tập thể được nhiều người biết đến và hâm mộ. Họ xuất thân trong nhiều lĩnh vực như giải trí, y tế, khoa học, chính trị, thể thao. Ngày nay, hình ảnh các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, vận động viên, v.v… Việc ngưỡng mộ thần tượng ở mức độ hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng mê muội quá đáng là một thảm hoạ tới sức khoẻ và tâm lí – một điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra hơn thập kỉ qua.
Giới trẻ thường xem thần tượng như mẫu hình lí tưởng vì thần tượng vốn có những phẩm chất nổi bật và đặc biệt trong lĩnh vực của họ. Cùng với thái độ ngưỡng mộ, giới trẻ có thể bắt chước tính cách, ngoại hình, hành động và lối sống của thần tượng với mong muốn trở nên giống với thần tượng. Vì thế, thần tượng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người, ngay cả khi xa cách về mặt địa lý và quan hệ xã hội. Thậm chí, có những người còn tạo ra mối quan hệ tưởng tượng với thần tượng vì sự xuất hiện liên tục của thần tượng trên truyền thông, đặc biệt là truyền hình vì nó tạo cảm giác thần tượng đang nói chuyện trực tiếp với họ.
Nếu quá cuồng thần tượng, con người sẽ rơi vào trạng thái bệnh lý thần kinh là tôn thờ thần tượng một cách mù quáng, thiếu lý trí. Những người ở mức này có biểu hiện cực đoan như ảo tưởng thần tượng yêu mình, thường xuyên chủ ý theo dõi bám đuôi thần tượng, trao đổi thư từ có nội dung không phù hợp. Những người này thường có vấn đề về lòng tin cậy và không có khả năng phát triển hay nuôi dưỡng các mối quan hệ lâu dài. Thậm chí là sẵn sàng bắt chước hành vi bừa bãi của thần tượng hoặc để cho thần tượng lợi dụng.
Người quá cuồng nhiệt với thần tượng thường có tập trung tình cảm ấy ở mức cao độ khiến cho họ trở nên hoang tưởng. Sự thiếu vắng các mối quan hệ ý nghĩa trong thực tế đã làm người hâm mộ mê mải tập trung hết sự chú ý vào thần tượng nhằm thiết lập định dạng bản thân. Tình trạng này đặc biệt diễn ra ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chính và rất dễ chịu sự tác động của nhân tố đồng lứa thân cận (bạn bè, hay thần tượng)
Từ hâm mộ sẽ nhanh chóng dẫn đến cuồng tín. Nếu người hâm mộ giữ ở mức vừa phải, các hoạt động này có thể đem lại lợi ích cho người hâm mộ, ví dụ như có thêm nhiều bạn, tăng mức độ thân mật trong các mối quan hệ. Thần tượng có ảnh hưởng tới thái độ và lòng tin của họ, hoặc đã tạo cảm hứng cho họ làm một việc gì đó một cách say mê. Tuy nhiên, việc tôn thờ thần tượng quá mức sẽ gây rất nhiều tác hại cho chính bản thân người hâm mộ.
Quá trình từ hâm mộ trở thành cuồng tín trải qua theo thời gian. Dần dần trong quá trình tìm hiểu thần tượng, người hâm mộ sẽ bắt đầu có những hành động quá khích. Những động cơ của các hành động này có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Ban đầu, người hâm mộ tìm kiếm bản thân, xây dựng nhân dạng dựa trên một hình mẫu có sẵn (thần tượng của họ). Sau đó, họ bắt đầu có những hành vi “phân rẽ khỏi bản thể thự”, tức là họ đánh mất bản thân để có thể đồng hóa với thần tượng, ví dụ tưởng tượng thần tượng yêu mình hay sự sống của thần tượng phụ thuộc vào mình.
Những người tôn thờ thần tượng có tình trạng sức khỏe tâm lý thấp hơn những người không tôn thờ thần tượng. Họ thường là những người thiếu tự tin vào bản thân và yếu đuối trước cuộc sống. Bởi thế, nếu tôn thờ thần tượng quá mức có thể liên quan đến việc phạm pháp. Những người có xu hướng “bắt chước tại hại” thần tượng có thể vướng vào những việc làm tiêu cực, thậm chí nguy hiểm.
Hiện tượng người hâm mộ cuồng tín có ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Việt Nam. Một số ví dụ điển hình có thể nói đến như John Hinckley, một người hâm mộ quá khích của nữ diễn viên người Mỹ Jodie Foster đã ám sát tổng thống Ronald Reagan với mục tiêu “làm Jodie Foster ấn tượng”. Tại Trung Quốc, người cha của Dương Lệ Quyên đã tự tử với mong muốn con gái được gặp thần tượng Lưu Đức Hoa. Trong khi đó tại Việt Nam, người hâm mộ nhạc Hàn Quốc (Kpop) đã từng bị nhiều báo đài chỉ trích vì những hành vi nguy hiểm như “dọa dẫm, tự tử, tuyệt thực, gào khóc” để được phụ huynh đáp ứng những nhu cầu theo đuổi thần tượng. Đây chính là những biểu hiện của mức độ “Ranh giới-Bệnh lý”, hay “mê muội” như đề văn đã chỉ ra, mà giới hâm mộ nên tránh khỏi.
Có thể nói, việc hâm mộ thần tượng là một sở thích cá nhân cần được tôn trọng, và mang lại nhiều ích lợi cho người hâm mộ. Tuy nhiên, nếu ngưỡng mộ thần tượng quá mức sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển, đặc biệt với những người không hiểu rõ bản thân và chưa tìm được định hướng phát triển cho mình. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ có con cái ở độ tuổi vị thành niên cần hết sức lưu tâm đến vấn đề này. Đừng cấm cản hoạt động của con cái, vì như vậy sẽ khiến con trở nên càng bất mãn và nổi loạn. Thay vào đó, hãy tìm hiểu tâm lý của con, làm chỗ dựa vững chắc, ủng hộ hoạt động hâm mộ của con, và bảo đảm những hoạt động này không ảnh hưởng đến các hoạt động học tập và sinh hoạt của con.