Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Phân tích khổ 2 Sang thu tuyển chọn 8 mẫu hay nhất, kèm dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ bức tranh thiên nhiên êm dịu khi đất trời chuyển mình sang thu thật tươi đẹp biết bao.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Qua khổ 2 Sang thu, ta cảm nhận rõ cảm xúc của nhà thơ Hữu Thỉnh đã ngập tràn trong mọi không gian đất trời, từ dòng sông đến cánh chim trên trời. Đó cũng chính là minh chứng cho một tầm hồn tinh tế, nhạy cảm, khéo léo. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

    Dàn ý phân tích khổ 2 Sang thu

    1. Mở bài

    Giới thiệu khái quát về nhà thơ Hữu Thỉnh, bài thơ Sang thu và khổ thơ thứ hai.

    2. Thân bài

    a. Bức tranh thiên nhiên êm dịu khi đất trời chuyển mình sang thu

    • Dòng sông “dềnh dàng”: dòng sông chảy nhẹ nhàng, thư thả, không còn vội vã như những trận sau cơn mưa xối xả mùa hè.
    • Những cánh chim “vội vã” bay về phương Nam tránh rét.

    => Hình ảnh đối lập “sông dềnh dàng” – “chim vội vã” tạo nên sự đối lập đầy độc đáo trong thời khắc giao mùa.

    • Hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”: biểu hiện của sự giao mùa, vương vấn còn sót lại của mùa hạ.
    • Bầu trời, mây và gió đang dần chuyển mình từ mùa hạ sang mùa thu, nhưng vẫn còn lưu luyến, níu kéo chưa muốn sang thu.

    b. Cảm xúc của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa: Mong chờ, lưu luyến

    3. Kết bài

    Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ thứ hai.

    Đoạn văn phân tích khổ 2 bài Sang thu

    Có lẽ mùa thu đã sang, là mùa thu của đất trời và mùa thu của lòng người mênh mang, nhiều tâm trạng. Đến khổ thơ thứ hai thì dường như mùa thu đã hiện rõ ra từng đường nét hình khối trong cảm nhận của tác giả: Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu Nước mùa thu dâng lên theo mùa “dềnh dàng”, những cánh chim trời bắt đầu “vội vã” bay. Thiên nhiên khi mùa thu về có chút gì đó vội vàng, gấp gáp hơn và trĩu nặng hơn nhưng vẫn giữ được thần thái đặc trưng nhất. Đường nét của mùa thu hiện lên rất rõ nét, không còn mơ hồ như ở khổ thơ thứ nhất nữa. Đây cũng là quá trình và là sự chuyển biến trong thiên nhiên và trong nhận thức của tác giả. Sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ của tác giả còn thể hiện ở cách nhìn “đám mây mùa hạ” như “vắt” sang thu. Thật tài hoa, thật khéo léo và dường như ông động lòng với mùa thu, khí thu, vị thu rất nhiều nên mới tưởng tượng ra viễn cảnh đám mây cao trên trời như đang chuyển mình cùng nhịp đập của mùa thu. Từ “vắt” dùng rất hay, rất độc đáo đã diễn tả được quá trình chuyển mình của mùa thu rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Mùa thu có chút gì đó độc đáo, tinh nghịch và cũng không kém phần duyên dáng qua cảm nhận của Hữu Thỉnh. Mùa thu đã đến thật rồi, mùa thu mang theo những gì tinh khôi, nhẹ nhàng và dịu êm nhất. Bức tranh chuyển mùa qua lời thơ Hữu Thỉnh thực sự mềm mại, nhẹ nhàng và uyển chuyển biết bao. Đó chính là cái Tài của tác giả, tài dùng chữ vẽ tranh.

    Phân tích khổ 2 Sang thu

    Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói “thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy”. Phải chăng tình yêu thiên nhiên mùa thu da diết tràn đầy mà Hữu Thỉnh đã chạm khắc tiếng thơ của mình vào thế giới thi ca bốn mùa nhiều dư vị. Sang thu chính là tác phẩm đặc sắc sâu lắng đầy trữ tình. Đó là những tâm sự hoài niệm của Hữu Thỉnh khi đứng giữa khúc giao mùa đầy rung động của đất trời. Đặc biệt nhất trong tác phẩm là khổ thơ thứ hai viết về khung cảnh đất trời sang thu.

    Hữu Thỉnh quê ở Vĩnh Phúc, sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học. Ông xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng trưởng thành sau đó trở thành một nhà thơ. Năm lớp 8 ông đã soạn kịch và diễn kịch. Hữu Thỉnh là một người dày dạn kinh nghiệm, ông viết rất nhiều. Chủ đề của ông viết về con người và cuộc sống của người dân nông thôn với ngôn từ giàu tính tượng hình. Thơ của ông Tuy giản dị nhưng vô cùng tinh tế và không kém phần sâu sắc. Sang Thu là một trong những bài thơ làm nên tên tuổi của Hữu Thỉnh. Khoảnh khắc giao mùa là thời khắc đẹp đẽ nhất bởi nó gieo vào lòng người những rung động nhẹ nhàng. Sang Thu là một bài thơ về những rung động bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên đất trời với những hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ tinh tế cùng dòng thơ nhẹ nhàng đã tạo nên một sang thu đầy ý nghĩa.

    Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu

    Có lẽ ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới. Sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến nhau, như vấn vương một cái gì đó của thời gian đã qua. Khoảnh khắc giao mùa ấy thật đẹp nhưng không phải ai cũng đủ tinh tế để dễ dàng nhận thấy. Đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, ông có một cái nhìn thật tinh tường khác biệt, một cảm nhận sâu sắc và một cách sống hòa hợp với thiên nhiên nên đã vẽ lại bức tranh đánh dấu sự chuyển mình của đất trời.

    Trước sự giao mùa ấy nhà thơ cũng bàng hoàng trước sự thay đổi của thiên nhiên. Hữu Thỉnh đã khắc họa thành công những bước đi nhỏ nhẹ mong manh của mùa thu thu tới nhẹ nhàng mơ hồ nhưng cũng khiến ta cảm nhận được sự hiện diện của nó trong không gian, đặc biệt là trong tâm hồn nhạy cảm của một hồn thơ mang nặng tình yêu thiên nhiên cuộc sống sau phút giao mùa nhẹ nhàng. Những dấu hiệu của mùa thu đã trở nên rõ ràng hơn. Hữu Thỉnh Cảm nhận mùa thu bằng cả tâm hồn của mình. Thu về trên quê hương, đất nước trên những con, đường bờ đê, trên cả dòng sông, cánh chim trời và trong lòng người cảm xúc. Sang thu của tác giả lan tỏa trong không gian rộng lớn với nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Nếu như ở khổ một, không gian mùa thu chỉ được gói gọn trong con ngõ nhỏ nay đã lan tỏa ra bầu trời một không gian bao la, rộng lớn không có gì có thể đo được.

    “Sông được lúc dềnh dành
    Chim bắt đầu vội vã”

    Với nghệ thuật nhân hóa tài tình tác giả đã dựng lên linh hồn cho cảnh vật. Dòng sông như được dịp, được thời, lắng lại trầm xuống, lững lờ chảy. Vào mùa thu dòng sông trở nên êm đềm, nhẹ nhàng, sâu lắng không mạnh mẽ, cuồn cuộn như mùa hạ. Tiết trời sang thu đã khiến cho dòng sông sống chậm lại, nhẹ nhàng, nó đang chậm chạp chảy trong không gian tuyệt đẹp của mùa thu. Dường như dòng sông cũng không muốn chia tay mùa hạ, ngập ngừng níu kéo. Sông cũng giống như tâm trạng của con người đang sống chậm lại suy nghĩ chiêm nghiệm về cuộc đời.

    Trái ngược với sự yên ả của dòng sông những chú chim “vội vã” đầy lo lắng trước khoảnh khắc giao mùa. Chim là động vật có sự nhạy cảm về thời tiết trước những cơn bão hoặc khi giao mùa chúng đều cảm nhận được rất rõ. Thu sang đàn chim đã bắt đầu cảm nhận được chút se lạnh của tiết trời. Tác giả tinh tế khi sử dụng từ “bắt đầu” bởi mùa thu mới ngập ngừng bước tới vẫn còn đủ thời gian cho những cánh chim làm tổ, tha mồi chuẩn bị cho một mùa đông lạnh kéo dài.

    Sự vội vã của chim đối lập với dòng chảy lững lờ trôi của sông tạo sự tương phản đặc sắc. Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh thu đầy sinh động, nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng không kém phần hối hả tấp nập. Phải chăng tác giả có tình yêu thiên nhiên và những cảm nhận sâu sắc mới có thể thấy được những chuyển biến của vạn vật trong khúc giao mùa. Thông qua bức tranh chuyển mình ấy ông muốn nhắc đến sự chuyển mình của đất nước ta, một đất nước vừa trải qua mưa bom bão đạn, giành được độc lập và trong quá trình xây dựng đất nước trong không khí vui tươi, rộn ràng, phấn khởi của nhân dân

    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu

    Lại một sự vật được Hữu Thỉnh nhân hóa diễn tả sự vận động của thời gian. Không gian trở nên rộng mở hơn, bao la hơn. Đám mây bé nhỏ như trải dài hơn, trôi lững lờ trên bầu trời xanh ngắt. Nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên mới chỉ vắt nửa mình sang thu.

    Nếu như ở hai câu thơ trên dấu hiệu giao mùa chưa rõ ràng thì ở hai câu thơ cuối tác giả đã vẽ lên một ranh giới cụ thể giữa mùa hạ và mùa thu. Đây là một sự liên tưởng đầy thú vị của thi sĩ.

    Với những hình ảnh tiêu biểu cùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa tất cả góp phần tạo nên một thời khắc giao mùa đầy chất thơ, tinh tế và nhạy cảm, độc đáo nhưng bâng khuâng trong không gian êm dịu của mùa thu. những sự vật nhân hóa khiến cho bức tranh thu hữu tình của Hữu Thỉnh trở nên thi vị hơn, qua đó ta thấy được một tâm hồn nhạy cảm yêu thiên nhiên tha thiết và trí tưởng tượng bay bổng độc đáo của nhà thơ. Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu kết hợp với những hình ảnh nhân hóa đặc sắc Hữu Thỉnh đã mang đến cho thơ ca Việt Nam một mùa thu thật đẹp, mộc mạc giản dị. Đọc đoạn thơ ta cảm nhận được cảnh vật như có hồn. Sang Thu là một tiếng lòng trang trải gửi gắm bao tình yêu với mùa thu của quê, hương đất nước một tiếng thu lồng hậu thiết tha.

    Hạ đi, thu tới mang theo những cảm xúc bất chợt gieo lại trong lòng người đọc những bồi hồi về một nàng thu nhẹ nhàng êm ái. Qua khổ thơ thứ hai Hữu Thỉnh đã khắc họa nên bức tranh giao mùa bằng ngòi bút xuất sắc mang đầy hơi thở trữ tình cùng những triết lý sâu xa. Lời thơ mộc mạc thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm, khát khao yêu đời, yêu thiên nhiên của tác giả.

    Phân tích khổ thơ thứ 2 Sang thu

    Thời điểm giao mùa hạ – thu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ luôn có một nét đẹp gì đó khiến con người ta xao xuyến, bùi ngùi. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh cùng tâm hồn tinh tế và tình cảm thiết tha đã viết nên một bài thơ về khoảnh khắc giao mùa ấy, chính là bài thơ Sang thu. Nếu như ở khổ thơ đầu, chúng ta được gặp gỡ những dấu hiệu, biểu hiện đầu tiên của mùa thu sang thì đến khổ thơ thứ hai ta đã cảm nhận được sự biến chuyển trong không gian cũng như vẻ đẹp của đất trời khi sang thu.

    “Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu”

    Sau khi nhà thơ nhận ra những biểu hiện, dấu hiệu thu về, cái nhìn của Hữu Thỉnh không còn cảm giác mơ hồ “hình như” nữa mà nhìn vào cảnh vật có thể chắc chắn một điều rằng thu đã về. Trước hết là hình ảnh con sông, con sông mỗi mùa dòng chảy mỗi khác nhau, lúc đầy lúc vơi, lúc êm đềm lúc lại cuộn trào. Vào thời khắc đất trời chuyển mình sang thu, con sông đã không còn hối hả, chảy xiết suốt một mùa hè nhiều mưa bão khiến nước sông dồi dào. Thu đến thời tiết êm dịu, bình lặng hơn, dòng chảy được ổn định và hài hòa, hai từ “dềnh dàng” khiến ta liên tưởng tới sự thong dong, thanh thản và thư thái của một con sông. Giống như đã làm xong nhiệm vụ của mình, dòng sông chảy như chỉ đang dạo chơi qua những mảnh đất. Sông thì dềnh dàng nhưng chim trên trời lại “vội vã”, cái vội vã, tất bật của chim có thể hiểu như đang buổi hoàng hôn chim phải vội vã bay trở về tổ, cũng có thể hiểu là chim vội vã cho chuyến hành trình dài đi về phương Nam tránh cái rét mùa đông ở miền Bắc. Quả là một bức tranh thiên nhiên chưa hẳn là thu nhưng tuyệt đẹp, bởi vì chưa hẳn thu nên cách tả thu của Hữu Thỉnh không rõ ràng như Nguyễn Khuyến nói về thu “xanh ngắt mấy tầng cao”. Không chỉ nhìn trời sang thu bằng ánh mắt, nhà thơ còn cảm giác được sự giao mùa qua hình ảnh đám mây trên trời, đám mây mùa hạ với một tư thế rất đặc biệt, độc đáo “vắt nửa mình sang thu”. Phải nhấn mạnh đó là đám mây của mùa hạ nhưng lại đang vắt mình sang bầu trời thu, tác giả diễn tả thật thú vị, một đám mây nhưng lại có đến hai mùa, mang nỗi vấn vương lưu luyến nửa muốn sang thu nửa muốn níu kéo mùa hè. Những biến chuyển nhẹ nhàng của đất trời từ cuối hạ sang thu gợi cho con người ta ý thức về cái đẹp xung quanh cuộc sống bình dị, mỗi giây phút trong cuộc sống đều có ý nghĩa, là thời khắc quan trọng của cuộc đời, giống như việc ta trân trọng, nâng niu và chìm đắm trong từng khoảnh khắc đất trời chuyển mình sang thu.

    Những vần thơ trong khổ hai của bài thơ Sang thu mang nỗi niềm bâng khuâng, vấn vương trước cảnh đất trời trong trẻo đang chuyển biến một cách nhẹ nhàng. Những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong khổ thơ là minh chứng cho một tầm hồn tinh tế, giàu xúc cảm của nhà thơ Hữu Thỉnh. Mỗi độ hè qua thu về, người ta sẽ lại nhớ đến vẻ đẹp thời khắc giao mùa trong chính khổ thơ này hay cả bài thơ để rồi phải gật gù khen ngợi rằng Hữu Thỉnh là một hồn thơ đầy tinh tế.

    Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu – Mẫu 1

    Sang thu là thời điểm mở đầu, như một bông hoa chớm nở, nét thu còn chưa rõ, mà mùa hạ vẫn còn vấn vương. Bởi vậy để cảm biết được trọn vẹn tín hiệu, vẻ đẹp của mùa thu cần phải có một tâm hồn rất đỗi tinh tế, nhạy cảm. Và hồn thơ Hữu Thỉnh là một hồn thơ nhạy cảm như vậy.

    Sau những bất ngờ, ngỡ ngàng trước khoảnh khắc thu sang ở khổ thơ thứ nhất, thi nhân mở rộng mọi giác quan để thấy được sự thay đổi của từng sự vật, hiện tượng mỗi độ thu về:

    Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu

    Tầm mắt đã được mở ra với không gian rộng rãi, khoáng đạt hơn. Và ở không gian ấy, ông nhận ra biết bao sự thay đổi của các sự vật, hiện tượng. Khi thu về, sông không còn ồn ào, cuồn cuộn siết chảy mà thay vào đó là chậm chạp, lững lờ, khoan thai. Khi thu sang, thời tiết bắt đầu se lạnh, những chú chim cũng bắt đầu vội vàng đi về phương nam tránh rét. Hai câu thơ với hai sự vật có sự vật động trái ngược nhau: sông dềnh dàng, trên cao chim vội vã. Đó là khoảnh khắc khác biệt của vạn vật, trong thời khắc chuyển giao giữa hai mùa.

    Nhưng đặc biệt nhất trong khổ thơ này chính là hình ảnh đám mây. Trong thơ ca Việt Nam nói về đám mây có không ít, là tầng mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt; là lớp mây đùn núi bạc trong thơ Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Còn đám mây của Hữu Thỉnh lại có sự hồn nhiên, tinh nghịch, khi nửa vẫn còn ở mùa hạ, nửa lại đã bước chân sang mùa thu. Tác giả đã thật tinh tế khi sử dụng từ “vắt” để nói đến thời điểm giao mùa, đám mây vắt mình lên ranh giới mong manh giữa hai mùa, để rồi đến cuối cùng chỉ còn lại sắc thu đậm nét. Câu thơ cho thấy sự tìm tòi, khám phá và trường liên tưởng thú vị của Hữu Thỉnh khi thời tiết chuyển giao.

    Với thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu kết hợp với hình ảnh nhân hóa đặc sắc, Hữu Thỉnh đã đem đến cho thơ ca một mùa thu thật đẹp, thật mộc mạc giản dị. Mùa thu ấy là những rung cảm tinh tế và tài hoa, được cảm nhận qua lăng kính của người nghệ sĩ tha thiết yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật và yêu cuộc sống.

    Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu – Mẫu 2

    Cuối hạ, thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng ai những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới, sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến, vấn vương một cái gì đó của thời đã qua. Khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh thì khác, ông đã có một cái nhìn thật tinh tường, một cảm nhận thật sắc nét và một cách sống hòa hợp với thiên nhiên nên mới có thể vẽ lại bức tranh in dấu sự chuyển mình của đất trời qua bài thơ “Sang Thu”. Khổ 2 bài thơ “Sang thu” thể hiện sâu sắc tình cảm nhẹ nhàng mà tinh tế của nhà thơ trước thiên nhiên và cuộc đời:

    Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu.

    Khoảnh khắc giao mùa chắc là khoảnh khắc đẹp đã nhất của tự nhiên, nó gieo vào trong lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hoà, đồng điệu. Bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh đã thể hiện những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước những biến đổi của thiên nhiên ở thời khắc giao mùa từ hạ sang thu. Mùa thu đã về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Thu về? Từ hương ổi hay từ gió, hay từ sương? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Bằng chính tài quan sát của mình, Hữu Thỉnh đã khắc hoạ thành công những bước đi nhỏ bé nhẹ nhàng, mong manh nhỏ nhẹ của mùa thu. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ nhưng khiến ta cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm của một hồn thơ mang nặng tình yêu với thiên nhiên và cuộc sống.

    Sau phút giao mùa nhẹ nhàng, những dấu hiệu bắt đầu mùa thu đã trở nên rõ ràng hơn, nhanh hơn. Tác giả cảm nhận mùa thu bằng cả tâm hồn của mình. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường, bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.

    Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã.

    Cảm xúc thu sang của tác giả lan tỏa trong không gian rộng hơn, nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Từ không gian nhỏ bé như con ngõ nhỏ đã lan tỏa ra tới bầu trời, một không gian bao la rộng lớn không gì có thể đo đếm được. Bằng nghệ thuật nhân hoá, tác giả đã tạo dựng nên linh hồn cho cảnh vật. Với từ “được lúc” dòng sông như được dịp được thời, như đang lắng lại, trầm xuống, lững lờ suy tư. Dòng sông êm đềm, nhẹ nhàng trôi sau những cơn mưa mùa hạ như trút nước. Tiết trời sang thu đã khiến cho dòng sông trở nên nhẹ nhàng và lắng lại. Nó lại “dềnh dàng”, chậm chạp, khoan thai chảy trong không gian bức tranh tuyệt đẹp của mùa thu. Dòng sông cũng dùng dằng và ngập ngừng níu kéo nhịp thở của mùa hạ. Sông giống như tâm trạng của con người, dường như đang sống “chậm” lại, ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời.

    Trái ngược với “dềnh dàng” của dòng sông, những cánh chim di trú lại bắt đầu ‘vội vã” đầy lo lắng trước khoảnh khắc giao mùa. Hẳn là đàn chim đã bắt đầu cảm nhận được chút se lạnh của tiết trời. Tác giả rất tinh tế khi sử dụng từ “bắt đầu” chứ không phải là đang vội vã, bởi thu mới chạm ngõ bằng hơi sương lạnh lẽo, còn đủ thời gian cho những cánh chim làm tổ, tha mồi, chuẩn bị đón một mùa đông lạnh lẽo kéo dài. Với nghệ thuật tương phản đặc sắc, Hữu Thỉnh đã gợi lên bức tranh thu đầy sinh động: nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng không kém phần hối hả, vội vã. Phải có tình yêu thiên nhiên và những cảm nhận sâu sắc, nhà thơ mới thấy được những biến chuyển của vạn vật trong khúc giao mùa như vậy.Thông qua bức tranh ấy, ông muốn gợi lên sự chuyển mình của đất nước ta. Một đất nước vừa trải qua mưa bom lửa đạn, giành được độc lập và đang bắt đầu xây dựng đất nước trong không khí vui tươi, rộn ràng.

    Với động từ “vắt”, bầu trời lúc giao mùa bỗng trong cảm nhận của thi sĩ trở nên đặc biệt hơn:

    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu.

    Hành động được nhân hóa này mang ý diễn tả sự vận động của thời gian. Không gian thơ cũng như trở nên rộng mở hơn, bao la hơn với hình ảnh đầy chất tạo hình này. Đám mây bé nhỏ dường như trải dài hơn, trôi lững lờ trong bầu trời xanh ngắt, cao rộng. Dường như nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Nó đã tạo nên một lằn ranh giới mỏng manh, hư ảo. Có lẽ, thực tế sẽ không thể nào có áng mây bé nhỏ nào như thế. Đó chỉ là sự liên tưởng đầy thú vị của thi sĩ. Tất cả góp phần tạo nên một thời khắc giao mùa đầy chất thơ, tinh tế và nhạy cảm, độc đáo nhưng bâng khuâng trong không gian êm dịu của mùa thu. Dòng sông, đám mây, cánh chim đều được nhân hoá rõ nét khiến cho bức tranh thu hữu tình của Hữu Thỉnh trở nên thi vị hơn. Qua đó, ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết và trí tưởng tượng bay bổng độc đáo của nhà thơ.

    Với thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu kết hợp với hình ảnh nhân hóa đặc sắc, Hữu Thỉnh đã đem đến cho thơ ca một mùa thu thật đẹp, thật mộc mạc giản dị. Đọc đoạn thơ, ta cảm nhận được cảnh vật như trở nên vừa hư vừa thực, rất nên thơ và giàu sức tưởng tượng độc đáo. Nhà thơ Hữu Thỉnh hẳn phải là người có tâm hồn tinh tế cùng với tình yêu tha thiết với thiên nhiên và đất nước mới có thể sáng tạo nên những vần thơ đặc sắc này. Ngòi bút tài năng này đã khiến chúng ta không thể không cảm phục.

    Sang thu là một tiếng lòng trang trải, gửi gắm bao tình yêu mùa thu của quê hương đất nước; một tiếng thu nồng hậu, thiết tha. Gấp trang sách lại, mùa thu của Hữu Thỉnh vẫn còn quẩn quanh đâu đây trong trí óc của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy lắng lòng để hướng tới thiên nhiên, hướng tới quê nhà.

    Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu – Mẫu 3

    Không còn những mơ hồ, hoài nghi về khí thu se lạnh đã chạm ngõ, khổ thơ thứ hai là những phát hiện về thiên nhiên sang thu đẹp đẽ và rất thơ:

    Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu.

    Tứ thơ mở ra trước mắt người đọc một không gian rộng lớn, mênh mang. Đó là chiều dài của dòng sông êm đềm đưa nước mùa thu. Sông không ồn ào, cuộn sóng như mùa hạ mà “được lúc dềnh dàng”. Cụm từ nhân hóa khiến ta cảm nhận được sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, trầm lắng suy tư của dòng sông với nước thu trong vắt. Một dáng vẻ khoan thai đối lập hoàn toàn với sự “vội vã” của đàn chim trên trời cao xanh thẳm. Tác giả rất tinh tế khi sử dụng từ “bắt đầu” chứ không phải là đang vội vã, bởi thu mới chạm ngõ bằng hơi sương lạnh lẽo, còn đủ thời gian cho những cánh chim làm tổ, tha mồi, chuẩn bị đón một mùa đông lạnh lẽo kéo dài. Phải có tình yêu thiên nhiên và những cảm nhận sâu sắc, nhà thơ mới thấy được những biến chuyển của vạn vật trong khúc giao mùa như vậy. Và trên bầu trời cao ấy, những đám mây như những dải lụa mềm, nhẹ nhàng vắt ngang bầu trời, một nửa ở bầu trời mùa hạ, nửa đã vắt sang thu. Hình ảnh “đám mây mùa hạ”, “vắt nửa mình sang thu” là một sự liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ. Câu thơ gợi ra bước đi uyển chuyển, mềm mại của thời gian.

    Với những hình ảnh thơ thân thuộc gợi ra màu sắc thu cùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, tác giả đã thổi hồn vào thiên nhiên với những cảm xúc rất con người. Qua đó ta thấy được những quan sát tinh tế của thi nhân trước sự biến chuyển của thiên nhiên và một tâm hồn tha thiết, yêu cái đẹp. Bức tranh chuyển mùa qua lời thơ Hữu Thỉnh thực sự mềm mại, nhẹ nhàng và uyển chuyển biết bao.

    Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu – Mẫu 4

    Với một đoạn thơ ngắn mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào trong thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi. Trước đây, Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu: “Thu điếu”, “Thu vịnh, Thu ẩm”, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương sang thu:

    “Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu.”

    Nhà thơ thể hiện sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu: Con sông quê hương dâng nước chở mùa thu. Những cánh chim bay vội vã. Thật lạ lùng mùa thu! Nơi thì “chùng chình”, “dềnh dàng”, mà nơi thì “vội vã”, hối hả… Nhưng tất cả đều với một cảm giác mới mẻ, xôn xao khi mùa thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho thu. Mùa thu vừa chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè vừa qua:

    “Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu”

    Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo. Hình như trong đám mây đó còn lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới “vắt nửa mình” thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.

    Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ ngữ lấp láy: “chùng chình”, “vội vã”, “dềnh dàng”, và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng. Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.

    “Sang thu” – một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của cả đất trời Việt Nam.

    Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu – Mẫu 5

    Mùa thu – mùa của những rung động xao xuyến, là nguồn cảm hứng bất tận cho thi, ca, nhạc, họa. Mỗi con người có cảm nhận và cách ngắm nhìn về thu khác nhau. Trong bài thơ “Sang Thu”, Hữu Thỉnh đã dành trọn khổ thơ thứ hai để bắt lấy khoảnh khắc chuyển giao đất trời từ cuối hạ sang đầu thu.

    “Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu”

    Đất trời chuyển mình sang thu, dòng sông cũng trở nên “dềnh dàng”, dòng chảy dịu êm, nhẹ nhàng hơn, không còn chảy mạnh, chảy xiết như mùa hè. Còn đàn chim thì ngược lại, chúng trở nên vội vã, hối hả hơn trong hành trình di cư vào miền Nam tránh rét. Hình ảnh thơ đầy sáng tạo ở hai câu cuối, đám mây mùa hạ “vắt nửa mình” sang thu đã diễn tả đầy sống động, gợi cảm về hình ảnh đám mây trong khoảnh khắc giao mùa. Thông qua tâm hồn tinh tế và hồn thơ bay bổng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảm nhận và tái hiện sống động những đổi thay của vạn vật khi đất trời sang thu. Trong khoảnh khắc giao mùa, khi trời đất mới chớm sang thu nên vẫn còn vương vấn một nửa đám mây của mùa hạ, đám mây trên bầu trời như bị chia làm đôi, một nửa còn vương nhiều nắng hạ, một nửa đã nhạt màu dịu nhẹ bồng bềnh hơn. Vẫn là những cảnh vật mộc mạc, gần gũi và quen thuộc nhưng khi vào thơ của Hữu Thỉnh ta lại thấy độc đáo mới lạ đến thế. Phải thừa nhận rằng Hữu Thỉnh cảm nhận thu sang rất tinh tế, gửi gắm vào thời khắc đó nhiều tình cảm, đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *