Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 40: Sinh sản hữu tính ở sinh vật giúp các em học sinh lớp 7 có thêm vốn kiến thức, dễ dàng trả lời các câu hỏi SGK Khoa học tự nhiên 7 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 164, 165, 166, 167, 168.
Bạn đang đọc: KHTN Lớp 7 Bài 40: Sinh sản hữu tính ở sinh vật
Với lời giải Khoa học tự nhiên 7 chi tiết từng phần, từng bài tập, các em dễ dàng ôn tập, củng cố kiến thức Bài 40 Chương X: Sinh sản ở sinh vật. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo soạn giáo án cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn:
Giải KHTN Lớp 7 Bài 40: Sinh sản hữu tính ở sinh vật
Mở đầu
Cây đậu ở hình bên không được sinh ra từ rễ, thân hay lá của cây mẹ mà lại mọc lên từ một bộ phận đặc biệt là hạt. Đây là ví dụ về sinh sản hữu tính. Vậy sinh sản hữu tính là gì và quá trình này diễn ra như thế nào?
Trả lời:
– Khái niệm sinh sản hữu tính: Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự hợp nhất giữa giao tử đực và giao tử cái tạo nên hợp tử, hợp tử phát triển thành cơ thể mới.
– Quá trình sinh sản hữu tính diễn ra theo 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn phát sinh giao tử: Cơ thể đực phát sinh ra tế bào giao tử đực, cơ thể cái phát sinh ra tế bào giao tử cái.
+ Giai đoạn thụ tinh: Giao tử đực kết hợp với giao tử cái tạo thành hợp tử.
+ Giai đoạn sinh trưởng và phát triển của hợp tử: Hợp tử sinh trưởng và phát triển để hình thành nên cơ thể mới.
I. Khái niệm sinh sản hữu tính
Lấy ví dụ các loài sinh vật có hình thức sinh sản hữu tính mà em biết.
Trả lời:
Sinh sản hữu tính ở thực vật: thụ phấn/ tự thụ phấn ở các loài hoa: dâm bụt, hoa hồng, …; ở một số cây lương thực: ngô, lúa,…; ở cây ăn quả: cam, chanh, táo, hồng xiêm, …
Sinh sản hữu tính ở động vật: các loài thuộc nhóm động vật có xương sống: lớp chim (chim bồ câu, gà…); lớp bò sát (rùa, cá sấu, thằn lằn…); lớp cá (cá chép, cá chuối…); lớp thú (voi, ngựa, khỉ, trâu, bò, thỏ…) và con người.
II. Sinh sản hữu tính ở thực vật có hoa
1. Cơ quan sinh sản
Câu 1: Quan sát hình 40.1, mô tả cấu tạo của hoa lưỡng tính. Hoa lưỡng tính có đặc điểm gì khác hoa đơn tính?
Trả lời:
- Hoa lưỡng tính là hoa có cấu tạo có cả nhị và nhụy
- Hoa lưỡng tính có đặc điểm khác hoa đơn tính ở chỗ hoa lưỡng tĩnh có cả nhị và nhụy còn hoa đơn tính chỉ mang nhị hoặc nhụy
Câu 2: Phân loại các hoa đơn tính và hoa lưỡng tính trong 40.2.
Trả lời:
Dựa vào sự xuất hiện của nhị và nhụy trên cùng một hoa để phân loại hoa trong hình 40.2:
- Hoa lưỡng tính (có đủ cả nhị và nhụy trên cùng một hoa): hoa cải, hoa bưởi, hoa khoai tây, hoa táo tây.
- Hoa đơn tính (chỉ có nhị hoặc nhụy trên một hoa): hoa liễu, hoa dưa chuột.
2. Quá trình sinh sản hữu tính ở thực vật
Đọc thông tin trên kết hợp quan sát hình 40.3 để thực hiện các yêu cầu:
1. Mô tả các giai đoạn trong sinh sản hữu tính ở thực vật. Phân biệt quá trình thụ phấn và thụ tinh ở thực vật. Cho viết ý nghĩa của thụ tinh trong quá trình hình thành quả và hạt
2. Cho biết quả và hạt được hình thành từ bộ phận nào của hoa. Giải thích tại sao trong tự nhiên có loại quả có hạt và loại quả không có hạt
Trả lời:
1. Sinh sản hữu tính ở thực vật gồm các giai đoạn: tạo giao tử; thụ phấn; thụ tinh; hình thành quả và hạt.
- Tạo giao tử: Khi hoa trưởng thành, bộ phận nhị sẽ được hình thành bao phấn chứa giao tử đực; bộ phận nhụy sẽ hình thành bầu nhụy chứa giao tử cái.
- Thụ phấn: Khi giao tử đực từ bao phấn của nhị vỡ ra, nhờ gió, nhờ con người, nhờ côn trùng… nên chúng được di chuyển đến đầu nhụy để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh.
- Thụ tinh: Hạt phấn sau khi đến đầu nhụy, nảy mầm thành ống phấn chứa giao tử đực, xuyên qua vòi nhụy vào bầu nhụy. Tại đây, giao tử đực tham gia vào quá trình thụ tinh với noãn cầu (giao tử cái) để tạo thành hợp tử. Thực chất quá trình này là sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.
- Hình thành quả và hạt: Hợp tử phân chia và phát triển thành phôi nằm trong hạt. Hạt do noãn phát triển thành, mỗi noãn được thụ tinh tạo thành 1 hạt. Bầu nhụy sinh trưởng dày lên để tạo quả chứa hạt. Quả được hình thành không qua thụ tinh là quả không hạt.
Ý nghĩa của sự hình thành quả và hạt:
- Hạt được bao bọc trong quả có thể bảo vệ khỏi các tác nhân ngoại cảnh.
- Quả, hạt là cơ quan sinh sản ở thực vật giúp chúng duy trì phẩm chất tốt cho đời con.
2. Quả và hạt được hình thành từ bộ phận sau của hoa:
- Quả do bầu nhụy chứa noãn được thụ tinh
- Hạt do noãn đã được thụ tinh tạo thành
Giải thích: Trong tự nhiên có loại quả có hạt và loại quả không có hạt là do không có sự thụ tinh nên không có hạt. Nguyên nhân có thể do cấu tạo của hoa nên không thể thụ tinh nhưng bầu vẫn phát triển nhờ các chất kích thích do phần hoa mang đến tạo thành quả. Hiện tượng này gặp ở một số loài như: chuối, cà chua,…
III. Sinh sản hữu tính ở động vật
Quan sát hình 40.4 mô tả khái quát các giai đoạn sinh sản hữu tính ở gà và thỏ.
Trả lời:
Các giai đoạn sinh sản hữu tính ở gà và thỏ:
– Hình thành giao tử:
- Giao tử cái (tế bào trứng) được hình thành và phát triển trong cơ quan sinh dục cái.
- Giao tử đực (tế bào tinh trùng) được hình thành và phát triển trong cơ quan sinh dục đực.
– Thụ tinh: là sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử. Quá trình thụ tinh có thể diễn ra bên ngoài hoặc bên trong cơ thể của con cái.
– Phát triển phôi: Hợp tử phân chia và phát triển phôi. Phôi có thể phát triển thành cơ thể con ở bên ngoài cơ thể mẹ (đối với loài đẻ trứng) hoặc ở bên trong cơ thể mẹ (đối với loài đẻ con).
IV. Vai trò và ứng dụng của sinh sản hữu tính ở sinh vật
Sinh sản hữu tính ở sinh vật có vai trò và ứng dụng như thế nào? Cho ví dụ
Trả lời:
– Vai trò của sinh sản hữu tính ở sinh vật:
- Tạo ra các cá thể mới đa dạng, đảm bảo sự phát triển liên tục của loài và sự thích nghi của loài trước môi trường sống luôn thay đổi.
- Tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú cho chọn giống.
– Ứng dụng sinh sản hữu tính ở sinh vật: Trong chăn nuôi và trồng trọt, con người đã ứng dụng sinh sản hữu tính để tạo ra thế hệ con mang các đặc điểm tốt của cả bố lẫn mẹ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người.
– Ví dụ:
- Ở ngô, tiến hành cho hoa đực (bông cờ) của cây ngô tím có hạt ngọt, bắp to thụ phấn với hoa cái của cây ngô nếp ta hạt dẻo, màu trắng sẽ thu được các bắp ngô tím hạt dẻo, bắp to.
- Cho lai hữu tính giữa giống lợn thuần chủng Đại Bạch và giống lợn Ỉ Việt Nam đã tạo ra giống lợn lai Ỉ – Đại Bạch lớn nhanh, trọng lượng xuất chuồng lớn, tỉ lệ nạc cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao.