Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

Giải Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX giúp các em học sinh lớp 8 tham khảo, nắm chắc kiến thức, dễ dàng trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Lịch sử – Địa lí 8 sách Cánh diều trang 16, 17, 18, 19.

Bạn đang đọc: Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

Qua đó, các em sẽ trình bày được quá trình hội nhập Đông Nam Á của thực dân phương Tây. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án Bài 3 Chương 2: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Giải Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

    Trả lời câu hỏi Lịch sử 8 Cánh diều Bài 3

    I. Quá trình xâm nhập Đông Nam Á của thực dân phương Tây

    Dựa vào thông tin và các hình trong mục I, trình bày quá trình xâm nhập của tư bản phương Tây vào khu vực Đông Nam Á.

    Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

    Trả lời:

    Từ thế kỉ XVI, sau các cuộc phát kiến địa lí, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, sau đó là Hà Lan, Anh, Pháp,… lần lượt xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á bằng nhiều con đường khác nhau như thương mại, tôn giáo, ngoại giao, quân sự,…

    ♦ Về thương mại: các nước phương Tây cử đội thuyền buôn, thành lập công ty thương mại, lập thương điểm để buôn bán với các nước Đông Nam Á.

    ♦ Về tôn giáo: theo chân những đoàn thuyền buôn, các giáo sĩ đến truyền bá Thiên Chúa giáo kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, địa lí của các nước Đông Nam Á.

    ♦ Về ngoại giao: chính phủ các nước phương Tây cử đại diện đến Đông Nam Á đề nghị kí kết hiệp ước thương mại hoặc xin phép cho giáo sĩ được hoạt động.

    ♦ Về quân sự:

    – Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và sau đó là Hà Lan, Anh lần lượt đưa quân đến xâm lược, trước tiên là khu vực Đông Nam Á hải đảo:

    • Vào thập niên 70 của thế kỉ XVI, Tây Ban Nha hoàn thành xâm lược và đặt ách cai trị lên phần lớn các đảo của Phi-líp-pin. Sau chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ (1898), Phi-líp-pin trở thành thuộc địa của Mỹ.
    • Hà Lan từng bước xâm chiếm phần lớn lãnh thổ In-đô-nê-xi-a từ đầu thế kỉ XVII.
    • Đầu thế kỉ XIX, Anh cũng loại bỏ các đối thủ khác để chiếm Mã Lai làm thuộc địa.

    – Ở Đông Nam Á lục địa: vào cuối thế kỉ XIX, Anh chiếm Miến Điện, Pháp tấn công và hoàn thành xâm lược các nước Cam-pu-chia,Việt Nam, Lào.

    II. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của các nước Đông Nam Á

    Cho biết nét nổi bật về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các nước Đông Nam Á dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây.

    Trả lời:

    – Về chính trị:

    • Các nước Đông Nam Á lần lượt mất độc lập, trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.
    • Chính quyền thuộc địa được thiết lập tại mỗi nước, trong đó các thế lực phong kiến vẫn được duy trì, làm tay sai cho chính quyền thực dân.

    – Về kinh tế:

    • Kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào các nước phương Tây, trở thành thị trường tiêu thụ, nơi cung cấp nguyên nhiên liệu giá rẻ cho các nước này.
    • Tư bản phương Tây chủ yếu đầu tư vào khai thác khoáng sản và chiếm ruộng đất để lập đồn điền.
    • Hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng…. được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu khai thác thuộc địa.

    – Về văn hóa:

    • Văn hóa phương Tây từng bước du nhập một cách cưỡng bức vào các nước Đông Nam Á thông qua hệ thống giáo dục mới. Thiên Chúa giáo được tạo điều kiện phát triển và dần trở thành tôn giáo phổ biến.
    • Nhiều phong tục và tư tưởng lạc hậu của người bản địa vẫn được duy trì để thực dân phương Tây dễ cai trị.

    – Về xã hội: xã hội các nước Đông Nam Á chuyển biến mạnh mẽ dưới tác động của quá trình xâm lược và khai thác thuộc địa:

    • Các giai cấp cũ (địa chủ, nông dân) tiếp tục tồn tại nhưng bị phân hoá;
    • Các giai cấp và tầng lớp mới ra đời như: công nhân, tư sản, tiểu tư sản.

    III. Cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á

    Đọc thông tin và quan sát hình 3.5, trình bày những nét chính về cuộc đấu tranh chống thực dân phương Tây ở Đông Nam Á.

    Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

    Trả lời:

    – Quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á của thực dân phương Tây ngay từ đầu gặp phải sự kháng cự quyết liệt của người dân bản xứ. Các vương triều cùng nhân dân tổ chức kháng chiến nhưng sau đó đều bị đánh bại.

    – Dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, nhân dân các nước Đông Nam Á đứng lên đấu tranh để giành lại độc lập, tiêu biểu là ở In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.

    • Tại In-đô-nê-xi-a: Vào thế kỉ XVII, Tơ-ru-nô Giô-giô kêu gọi nhân dân chống triều đình A-mang-ku-rát và thực dân Hà Lan. Từ năm 1825 đến năm 1830, Hoàng tử Đi-pô Nơ-gô-rô lãnh đạo nhân dân đấu tranh vũ trang chống thực dân Hà Lan tại đảo Gia-va.
    • Tại Phi-líp-pin: từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX diễn ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống thực dân Tây Ban Nha, điển hình là: khởi nghĩa ở đảo Bô-hô, Lai-ơ-ta, Pan-ga-si-nan, I-lô-kô,… (thế kỉ XVII), ở đảo Bô-hô (thế kỉ XVIII).

    – Các cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á chống ách đô hộ của thực dân phương Tây đều bị đàn áp bằng vũ lực.

    Giải Luyện tập và vận dụng Lịch sử 8 Cánh diều Bài 3

    Luyện tập 1

    Vẽ sơ đồ tư duy về quá trình xâm nhập của tư bản phương Tây vào các nước Đông Nam Á từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX.

    Trả lời:

    (*) Sơ đồ tham khảo

    Lịch sử 8 Bài 3: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX

    Luyện tập 2

    Giải thích nguyên nhân thất bại của các cuộc đấu tranh chống thực dân phương Tây của các nước ở Đông Nam Á.

    Trả lời:

    Cuộc đấu tranh chống thực dân phương Tây của nhân dân các nước Đông Nam Á thất bại, do những nguyên nhân chủ yếu sau:

    • Tương quan lực lượng chênh lệch theo hướng có lợi cho các nước phương Tây.
    • Phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn; phần lớn mang tính tự phát, không thống nhất được thành một phong trào đấu tranh chung, rộng khắp trên cả nước,…

    Vận dụng 3

    Sưu tầm tư liệu về quá trình xâm nhập của các nước thực dân phương Tây vào Đông Nam Á. Giới thiệu những tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

    Trả lời:

    (*) Tham khảo: Một số tư liệu về quá trình xâm nhập và xâm lược của các nước phương Tây vào Đông Nam Á

    – Từ thế kỉ XVI, sau các cuộc phát kiến địa lí, các nước phương Tây lần lượt xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á bằng nhiều con đường khác nhau như thương mại, tôn giáo, ngoại giao, quân sự,…

    – Các nước Đông Nam Á hải đảo là đối tượng đầu tiên thu hút sự chú ý của thực dân phương Tây, bởi đây là khu vực giàu tài nguyên, có nguồn hương liệu và hàng hoá phong phú, có nhiều thương cảng sầm uất nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối liền phương Đông và phương Tây.

    • Giữa thế kỉ XVI, Phi-líp-pin chính thức bị thực dân Tây Ban Nha xâm lược và thống trị. Sau cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha (năm 1898), Phi-líp-pin đã trở thành thuộc địa của Mỹ.
    • Cuối thế kỉ XVI, thực dân Hà Lan bắt đầu quá trình xâm nhập In-đô-nê-xi-a. Nhưng phải đến giữa thế kỉ XIX, trải qua cuộc cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha, Hà Lan mới hoàn thành việc kiểm soát được nước này.
    • Đầu thế kỉ XX, toàn bộ vùng lãnh thổ ngày nay của Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây rơi vào tay người Anh dưới những hình thức cai trị khác nhau.

    => Trải qua gần 4 thế kỉ, bằng những thủ đoạn khác nhau, thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo.

    – Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây đối với các quốc gia Đông Nam Á lục địa bắt đầu vào thế kỉ XIX, muộn hơn so với các nước Đông Nam Á hải đảo:

    • Thực dân Anh sau hơn 60 năm (1824 – 1885), tiến hành ba cuộc chiến tranh mới chiếm được Miến Điện (Mi-an-ma).
    • Thực dân Pháp phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần nửa thế kỉ (1858 – 1893) mới hoàn thành việc xâm chiếm ba nước Đông Dương.

    – Đến đầu thế kỉ XX, các nước thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình thôn tính Đông Nam Á. Hầu hết các nước trong khu vực đều trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.

    – Vương quốc Xiêm tuy vẫn giữ được nền độc lập nhưng bị lệ thuộc vào nước ngoài về nhiều mặt và trở thành “vùng đệm” giữa khu vực thuộc địa của Anh và Pháp.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *