Download.vn sẽ cung cấp đến bạn đọc bài Soạn văn 12: Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận.
Bạn đang đọc: Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Tài liệu này sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích cho các bạn học sinh lớp 12 trong quá trình học tập.
Soạn văn 12: Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
I. Luyện tập trên lớp
Câu 1. Hãy nhắc lại các thao tác lập luận mà anh chị đã học cùng những đặc điểm cơ bản của từng thao tác.
– Phân tích: chia, tách đối tượng thành các yếu tố theo những tiêu chí, quan hệ nhất định (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng phân tích…)
– Chứng minh: dùng dẫn chứng và lí lẽ để người đọc (người nghe) tin một vấn đề nào đó trong đời sống hoặc trong văn học.
– Bình luận: đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học.
– Bác bỏ: dùng lí lẽ và chứng cứ để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác… từ đó nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe (người đọc).
– So sánh: làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.
– Giải thích là dùng lí lẽ và dẫn chứng để giúp người đọc (người nghe) hiểu một vấn đề nào đó trong đời sống hoặc trong văn học.
Câu 2. Trong đoạn trích trong SGK, tác giả đã vận dụng kết hợp những thao tác lập luận nào?
– Bác bỏ: “Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng… hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp về chính sách khai hóa và bảo hộ Đông Dương.
– Chứng minh: Tác giả đã chứng minh tội ác của thực dân Pháp bằng với các bằng chứng thuyết phục trên các phương diện kinh tế, chính trị.
– Bình luận: “Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
=> Tác dụng: Tố cáo đanh thép tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, vạch trần luận điệu “khai hóa, bảo hộ” xảo trá, bịp bợm của chúng.
Câu 3. Viết một bài văn nghị luận (vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau) bày tỏ ý kiến về một vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn hóa – tinh thần của con người.
– Gợi ý:
Có ai đó đã từng nói rằng: “ Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống ”. Quả vậy, con người không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng lại có quyền lựa chọn cách mình sống.
“Nơi mình sinh ra” chỉ xuất thân của mỗi người (bố mẹ, gia đình, quê hương). Và chúng ta thì “không được chọn” có nghĩa là không có quyền chủ động lựa chọn, mà phải phụ thuộc vào sự sắp đặt của số phận. Những yếu tố đó hoàn toàn là khách quan, không thể quyết định trực tiếp đến tương lai của mỗi người. Còn “cách mình sẽ sống” là cách ứng xử với cuộc đời của bản thân. “Được chọn” là có quyền chủ động quyết định điều mà bản thân mong muốn. Như vậy, câu nói trên khẳng định rằng con người khi sinh ra không thể lựa chọn cho mình vạch xuất phát điểm ban đầu (gốc gác, xuất thân) nhưng lại có thể lựa chọn cách sống sao cho phù hợp với bản thân để trở thành một người có ích, thành công.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện nọ. Có một cậu bé mới chỉ mười tuổi đã mất đi cánh tay trái của mình trong một vụ tai nạn. Cậu rất yêu thích môn võ Judo và quyết định đăng ký lớp học của một võ sư người Nhật.
Trong suốt ba tháng học đầu tiên, thầy giáo chỉ dạy cho cậu một thế võ duy nhất. Vì quá thắc mắc về điều đó, cậu bé hỏi thầy:
– Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?
Người thầy trả lời:
– Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.
Vì con nhỏ nên không hiểu hết ý nghĩa trong câu nói của thầy nhưng cậu vẫn tiếp tục kiên trì học tiếp.
Nhiều tháng sau, cậu được thầy giáo đưa đến tham dự một cuộc thi đấu. Hai trận đầu tiên diễn ra với thắng lợi khá dễ dàng khiến cậu rất ngạc nhiên. Đến trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, khi đối phương đã mất kiên nhẫn. Cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ mà mình được học và giành chiến thắng. Cậu bé ghi danh mình vào trận chung kết.
Ở trận chung kết, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và có nhiều kinh nghiệm. Trận đấu vừa bắt đầu thì đối phương đã liên tiếp tung ra những thế đánh áp đảo. Sang đến hiệp thứ hai, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn. Chiến thắng đã gọi tên cậu bé nọ.
Trên đường về nhà, cậu thu hết can đảm hỏi thầy điều thắc mắc bấy lâu nay:
– Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?
– Con chiến thắng vì hai lý do. Lý do thứ nhất con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại.
– Mà con lại không có tay trái?
Vậy là đôi khi một điểm yếu của bản thân lại dễ dàng trở thành điểm mạnh. Quan trọng là cách chúng ta đối diện với điều đó và biết cách biến đó thành lợi thế của chính mình.
Như vậy, “Ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra” hiểu rộng ra có nghĩa là con người không thể lựa chọn được những điều sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Tất cả những khó khăn nghịch cảnh đều là những yếu tố khách quan đã xảy ra và không thể thay đổi được. Nhưng “ta được lựa chọn cách mình sẽ sống”, đó là có thể lựa chọn cách đối mặt với những nghịch cảnh ấy, lựa chọn con đường sẽ bước đi để trở thành ai trong thế giới rộng lớn này. Trong “Thép đã tôi thế đấy”, nhân vật Paven đã từng nói: “ Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người… ”. Câu nói trên đã khẳng định lựa chọn về cách sống của nhân vật Paven – đó là cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trở về với mảnh đất Việt Nam kiên cường, trong suốt những năm tháng chiến tranh, cả một thế hệ trẻ cùng chung một lựa chọn – họ đã sống và cống hiến cho đất nước. Họ lựa chọn ra đi với tinh thần: “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh ” dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Còn trong hôm nay, khi đất nước đang phải đối đầu với đại dịch Covid – 19, không ít người đã lựa chọn cách sống cao đẹp. Hàng trăm sinh viên y khoa ghi danh lên tuyến đầu chống dịch, hàng trăm chiến sĩ bộ đội phải ngày đêm canh giữ vùng biên giới… Họ là những con người đã đem tên mình ghi danh vào cuộc đời đầy ý nghĩa.
Là một học sinh, tôi luôn ý thức được về việc lựa chọn cách sống. Tôi lựa chọn cho mình cách sống cống hiến: nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức và nâng cao kỹ năng mềm để trở thành một phiên bản tốt hơn trong tương lai. Từ đó, đem sức lực của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tóm lại, câu nói: “ Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống ” đã để lại cho mỗi người bài học sâu sắc. Mỗi người hãy lựa chọn cho mình một cách sống đúng đắn để cuộc đời trở nên ý nghĩa.
– Các thao tác được sử dụng:
- Giải thích: Ý nghĩa của của câu “Ta không được chọn….”
- Chứng minh: Đưa ra những câu chuyện, tấm gương có ý thức lựa chọn cách mình sẽ sống.
- Bình luận: “Vậy là đôi khi một điểm yếu của bản thân… chính mình”.
II. Luyện tập ở nhà
Câu 1. Sưu tầm những bài (đoạn) văn hay, trong đó tác giả đã sử dụng kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận khác nhau.
Một số tác phẩm là: Tuyên ngôn Độc lập (Nguyễn Ái Quốc), Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 1- 12 – 2003 (Cô-phi An-nan)…
Câu 2. Viết một đoạn văn ngắn, trong đó vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau để trình bày quan điểm, ý kiến của anh chị về:
- Nét đặc sắc mà anh chị đã phát hiện từ một bài thơ, một thiên truyện, một kịch bản văn học.
- Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận.
- Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.
– Gợi ý:
Khi nhắc đến nhà thơ Xuân Quỳnh, người đọc sẽ nghĩ đến một nhà thơ của tình yêu. “Sóng” được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất của chị. Khi viết bài thơ này, Xuân Quỳnh đã xây dựng hình ảnh “sóng” và “em” mang nhiều ý nghĩa.
Hình tượng “sóng” và “em” có lúc phân đôi để soi chiếu, từ đó cho thấy sự tương đồng, có lúc lại hoà nhập vào nhau để tạo nên sự âm vang, cộng hưởng. Trong tình yêu có thật nhiều cung bậc: khi lặng lẽ dịu êm, hiền hòa, êm dịu:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Hai trạng thái đối lập này cùng tồn tại trong một thể thống nhất là “sóng”. Cách miêu tả những trạng thái bất thường của sóng gợi lên những khát vọng tình yêu trong tâm hồn đầy bí ẩn của người con gái, khi bồng bộn, sôi nổi, khi kín đáo sâu sắc, vừa đắm say vừa tỉnh táo, vừa nồng nàn, vừa âm thầm, vừa mãnh liệt vừa ngàn lần yếu mềm. Điểm gặp gỡ đồng điệu và kì lạ giữa sóng và nhân vật trữ tình “em” cho thấy “sóng” chính là ẩn dụ của “em”, của khát vọng tình yêu nhiều thao thức nhưng hạnh phúc vô bờ.
Sóng tự ngàn năm vẫn từ sông ra bể, từ giới hạn chật hẹp tới không gian rộng lớn. Nếu như “sông” không thể hiểu nổi mình, “sóng” sẵn sàng tìm ra biển lớn:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Con sóng tìm đến biển, đến đại dương là để tự hiểu mình. Còn em “khát khao” được đến bên anh, đến với một tình yêu đẹp để hiểu rõ hơn về tâm hồn em về con người đích thực của em.
Và rồi đứng trước muôn trùng sóng bể, em băn khoăn về nguồn gốc của tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Người phụ nữ trong tình yêu luôn trăn trở, suy nghĩ. Điệp từ “em nghĩ” đã cho thấy điều đó. “Em” khi đứng trước đại dương mênh mông, em nghĩ đến anh đầu tiên rồi mới nghĩ về biển lớn. Và em cũng tự hỏi lòng mình rằng sóng bắt nguồn từ nơi nào. Câu hỏi được đặt ra đã tự có được câu trả lời cho riêng mình: sóng bắt đầu từ những cơn gió – một cách lý giải rất thực tế. Nhưng nỗi băn khoăn vẫn không dừng lại: “Gió bắt đầu từ đâu?” thì lại không có câu trả lời. Cũng giống như tình yêu bắt nguồn từ lúc nào. Còn ông hoàng thơ tình Xuân Diệu lại từng bộc lộ:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”
(Vì sao?)
Nếu “sóng” nhớ đến “bờ” thì “em” nhớ đến “anh”. Dù ở không gian “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước”, dù “ngày” hay “đêm” thì con sóng vẫn nhớ “đến bờ” mà thao thức bồn chồn đến nỗi “không ngủ được”. Xuân Quỳnh đã lấy không gian và thời gian để đo đếm nỗi nhớ trong tình yêu. Nhưng nào ai có thể đong đếm hết được nỗi nhớ? Nếu con sóng nhớ đến bờ có thể bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thì nỗi nhớ của “em” lại vượt qua mọi khoảng cách về không gian, thời gian. Nếu sóng nhớ đến bờ thì em cũng nhớ đến anh. Nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong tâm trí của “em”. Ngay đến trong giấc mơ cũng chẳng thể nào ngừng được. Ca dao đã từng diễn tả nỗi nhớ của những người yêu nhau:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than?”
Nỗi nhớ trong tình yêu đã không còn xa lạ gì, nhưng cách diễn tả của Xuân Quỳnh lại thật đặc biệt.
Đặc biệt nhất là ở khổ thơ cuối cùng:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàm năm còn vỗ”
Câu hỏi tu từ “Làm sao” mở đầu khổ thơ như một lời tự vấn. Sóng khát khao được tan ra để hòa vào biển lớn. Cũng giống như em khát khao được sống trọn vẹn với tình yêu. à Người phụ nữ khi yêu cũng vô cùng mãnh liệt, họ ước mong được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc trong tình yêu. Ở đây, Xuân Quỳnh sử dụng từ “tan ra” thể hiện nét dịu dàng của người phụ nữ, khác hẳn với cái mạnh mẽ của Xuân Diệu:
“Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm”
(Biển)
Nhưng Xuân Diệu còn có ngày thôi “dào dạt”. Còn Xuân Quỳnh thì vẫn “ngàn năm còn vỗ”. Hai câu thơ cuối cùng là lời khẳng định của nhà thơ. Tình yêu của “em” sẽ tồn tại vĩnh cửu, cũng như con sóng kia đến “ngàn năm” vẫn còn vỗ.
“Sóng” và “em”, tuy hai nhưng là một, thể hiện những cảm nhận thật tình tế của Xuân Quỳnh trong tình yêu.
– Các thao tác được sử dụng: Phân tích nét đẹp của hình tượng “sóng” và “em”; Chứng minh bằng dẫn chứng qua các khổ thơ; So sánh với thơ của Xuân Diệu.