Nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức về từ vựng và chuẩn bị bài nhanh chóng, Download.vn sẽ giới thiệu bài Soạn văn 9: Tổng kết về Từ vựng.
Bạn đang đọc: Soạn bài Tổng kết về từ vựng (trang 122)
Tài liệu sẽ giúp học sinh lớp 9 ôn tập lại kiến thức của phần từ vựng trong chương trình Ngữ Văn THCS. Mời quý bạn đọc cùng tham khảo ngay sau đây.
Soạn văn 9: Tổng kết về từ vựng
Soạn văn Tổng kết về từ vựng
I. Từ đơn và từ phức
1. Ôn lại khái niệm từ đơn, từ phức. Phân biệt các loại từ phức.
– Từ đơn là từ được cấu tạo bởi một tiếng.
– Từ phức là từ được cấu tạo bởi hai hay nhiều tiếng trở lên.
– Từ phức gồm hai loại là từ ghép và từ láy:
- Từ ghép là các từ có quan hệ với nhau về mặt nghĩa.
- Từ láy là các từ có quan hệ với nhau về mặt âm.
2. Trong những từ sau, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy?
– Từ ghép: ngặt nghèo, giam giữ, bó buộc, tươi tốt, cỏ cây, đưa đón, nhường nhịn, rơi rụng, mong muốn.
– Từ láy: gật gù, nho nhỏ, lạnh lùng, bọt bèo, xa xôi, lấp lánh.
3. Trong các từ láy sau, từ láy nào có sự “giảm nghĩa” và từ láy nào có sự “tăng nghĩa” so với nghĩa của yếu tố gốc?
– Từ láy có sự “giảm nghĩa”: trăng trắng, đèm đẹp, nho nhỏ, lành lạnh, xôm xốp.
– Từ láy có sự “tăng nghĩa”: sạch sành sanh, sát sàn sạt, nhấp nhô.
II. Thành ngữ
1. Ôn lại khái niệm thành ngữ
– Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
– Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…
2. Trong các tổ hợp từ sau đây, tổ hợp nào là thành ngữ, tổ hợp nào là tục ngữ?
a. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: Tục ngữ
=> Ý nghĩa: Môi trường sống xung quanh có tác động đến sự hình thành đạo đức con người ( mực – nơi, người xấu xa, đèn – nơi, người tốt đẹp).
b. Đánh trống bỏ dùi: Thành ngữ
=> Ý nghĩa: Làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn, bỏ dở giữa chừng.
c. Chó treo mèo đậy: Tục ngữ
=> Ý nghĩa: Khi muốn bảo quản đồ ăn, nhà có chó phải treo lên cao, nhà có mèo thì phải đậy lại cẩn thận.
d. Được voi đòi tiên: Thành ngữ
=> Ý nghĩa: Có được thứ này rồi, những vẫn muốn có được thứ khác tốt hơn.
e. Nước mắt cá sấu: Thành ngữ
=> Ý nghĩa: Cá xấu không bao giờ khóc – sự đau khổ giả tạo để đánh lừa người khác.
3. Tìm hai thành ngữ có yếu tố chỉ động vật và hai thành ngữ có yếu tố chỉ thực vật. Giải thích ý nghĩa và đặt câu với mỗi thành ngữ vừa tìm được.
* Yếu tố chỉ động vật:
– Ếch ngồi đáy giếng: phê phán những người hiểu biết hạn hẹp nhưng lại kiêu căng, tự cho mình là nhất.
=> Đặt câu: Hiểu biết của cậu ta đúng là giống ếch ngồi đáy giếng.
– Nuôi ong tay áo: giúp đỡ những kẻ xấu xa, phản bội lại mình.
=> Đặt câu: Bác ta đang nuôi ong tay áo mà không hề biết.
* Yếu tố chỉ thực vật:
– Nghèo rớt mồng tơi: nghèo khó, không có của cải gì đáng giá.
=> Đặt câu: Nhà cậu ta nghèo rớt mồng tơi nên ai cũng khinh thường.
– cắn rơm, cắn cỏ: van xin một cách tha thiết, đáng thương.
=> Đặt câu: Tôi cắn rơm, cắn cỏ lạy ông tha mạng!
4. Tìm hai dẫn chứng về việc sử dụng thành ngữ trong văn chương.
– Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
– Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
– Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
(Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương)
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
(Thương vợ, Trần Tế Xương)
III. Nghĩa của từ
1. Ôn lại khái niệm nghĩa của từ
Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị.
2. Chọn cách hiểu đúng:
– Các cách hiểu đúng:
a. Nghĩa của từ mẹ là “người phụ nữ, có con, nói trong quan hệ với con”.
– Các cách hiểu không đúng:
b. Nghĩa của từ mẹ khác với nghĩa của từ bố là “người phụ nữ, có con”. Vì nghĩa của từ mẹ chỉ khác với nghĩa của từ bố ở “người phụ nữ”.
c. Nghĩa của từ mẹ không thay đổi trong hai câu “Mẹ em rất hiền” và “Thất bại là mẹ thành công”. Vì nghĩa của mẹ trong trường hợp trước là nghĩa gốc, còn trường hợp sau là nghĩa chuyển.
d. Nghĩa của từ mẹ không có phần nào chung với nghĩa của từ bà. Vì nghĩa của mẹ và bà đều có phần chung chỉ “người phụ nữ”.
3. Cách giải thích nào trong hai cách giải thích sau là đúng? Vì sao?
– Cách giải thích đúng là:
b. Độ lượng là rộng lượng, dễ thông cảm với người có sai lầm và dễ tha thứ.
Cách giải thích sai là:
a. Độ lượng là đức tính rộng lượng, dễ thông cảm với người có sai lầm và dễ tha thứ.
– Vì cách giải thích trên đã vi phạm nguyên tắc giải nghĩa từ khi dùng một cụm danh từ để giải thích cho từ chỉ đặc điểm, tính chất.
IV. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
1. Ôn lại khái niệm từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ.
– Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.
– Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.
– Trong từ nhiều nghĩa có:
- Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa chuyển.
- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
2. Trong hai câu thơ sau, từ hoa trong thềm hoa, lệ hoa được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển. Có thể coi đây là hiện tượng chuyển nghĩa làm xuất hiện từ nhiều nghĩa được không? Vì sao?
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
– Thềm hoa, lệ hoa được dùng theo nghĩa chuyển.
– Đây không phải là hiện tượng chuyển nghĩa của từ, vì các từ này chỉ mang tính chất lâm thời, được Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm của mình để thể hiện tâm trạng của Thúy Kiều.
V. Từ đồng âm
1. Ôn lại khái niệm từ đồng âm. Phân biệt hiện tượng từ nhiều nghĩa với hiện tượng từ đồng âm.
– Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng khác nhau về nghĩa, không có liên quan đến nhau.
– Ví dụ:
- Cơm chín rồi!
- Nhà có chín con gà.
– Phân biệt:
- Từ nhiều nghĩa: Các từ có nét nghĩa liên quan đến nhau.
- Từ đồng âm: Các từ khác nhau về nghĩa, không liên quan đến nhau.
2. Trong các trường hợp (a) và (b) sau đây, trường hợp nào có hiện tượng từ nhiều nghĩa, trường hợp nào có hiện tượng từ đồng âm? Vì sao?
– Trường hợp (a) là từ nhiều nghĩa:
- Lá 1: nghĩa gốc, chỉ bộ phận của cây, mọc ra ở cành hoặc thân và thường có hình dẹt, màu lục, giữ vai trò chủ yếu trong việc tạo ra chất hữu cơ nuôi cây
- Lá 2: nghĩa chuyển, có điểm giống với nghĩa gốc (từ dùng để chỉ từng đơn vị vật có hình tấm mảnh nhẹ hoặc giống như hình cái lá).
– Trường hợp (b) là từ đồng âm: Nghĩa của hai từ “đường” khác hoàn toàn nhau:
- Đường 1: Khoảng không gian phải vượt qua để đi từ một địa điểm này đến một địa điểm khác
- Đường 2: Chất kết tinh có vị ngọt, được sản xuất từ mía hoặc củ cải đường.
VI. Từ đồng nghĩa
1. Ôn lại khái niệm từ đồng nghĩa
– Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống với nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.
– Ví dụ: chăm nom, bảo vệ, giữ gìn
2. Chọn cách hiểu đúng trong các cách hiểu trong SGK:
d. Các từ đồng nghĩa với nhau có thể không thay thế nhau được trong nhiều trường hợp sử dụng.
3. Đọc câu sau:
– Từ “xuân”: được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ, lấy khoảng thời gian trong một năm để thay thế cho một năm.
– Việc thay thế từ “xuân” cho thấy tinh thần lạc quan, yêu đời của tác giả trước cuộc sống.
VII. Từ trái nghĩa
1. Ôn lại khái niệm từ trái nghĩa
– Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. Ví dụ (xấu – tốt, trắng – đen, nóng – lạnh…).
– Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.
2. Cho biết trong các cặp từ sau đây, cặp từ nào có quan hệ trái nghĩa?
Các cặp từ có quan hệ trái nghĩa: ông – bà, xấu – đẹp, xa – gần, rộng – hẹp.
3.
– Các từ nhóm 1 như sống – chết (không sống không có nghĩa là đã chết, không chết có nghĩa là còn sống): chiến tranh – hòa bình, đực – cái
– Các từ nhóm 2 như già – trẻ (không già không có nghĩa là trẻ, không trẻ không có nghĩa là già): yêu – ghét, cao – thấp, nông – sâu, giàu – nghèo
VIII. Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ
1. Ôn lại kiến thức
– Nghĩa của một từ ngữ có thể rộng hơn (khái quát hơn) hoặc hẹp hơn (ít khát quát hơn) nghĩa của từ khác:
– Một từ ngữ được coi là có nghĩa rộng khi có phạm vi nghĩa của từ đó bao hàm phạm vi nghĩa của một số từ khác.
– Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi có phạm vi nghĩa của từ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ khác.
– Một từ ngữ có nghĩa rộng với từ này, nhưng lại có nghĩa hẹp với từ kia.
2.
Từ (xét về đặc điểm cấu tạo): Từ đơn và từ phức
* Từ phức: Từ ghép và từ láy
– Từ ghép: Từ ghép tổng hợp và từ ghép phân loại
– Từ láy: Từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận
- Từ láy bộ phận: Láy âm và láy vần
IX. Trường từ vựng
1. Ôn lại khái niệm trường từ vựng
– Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.
– Các từ mặt, mắt, da, gò má, đùi, đầu, tay, miệng thuộc trường từ vựng chỉ bộ phận trên cơ thể con người.
2.
– Các từ thuộc trường từ vựng: bể, tắm
– Ý nghĩa: cho thấy tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp.
* Một số bài tập ôn luyện:
Câu 1. Xác định đâu là nghĩa gốc, nghĩa chuyển của các từ sau?
a. Lưng
– Lưng (1): Phần phía sau của cơ thể người hoặc phần phía trên của cơ thể động vật có xương sống, đối xứng với ngực và bụng (cái lưng).
– Lưng (2): bộ phận phía sau của một số vật (lưng ghế).
b. Sườn
– Sườn (1): các xương bao quanh lồng ngực từ cột sống đến vùng ức (nói tổng quát) (xương sườn).
– Sườn (2): bề cạnh của một số vật có hình khối và chiều cao (sườn núi).
Gợi ý:
a.
– Lưng (1): nghĩa gốc
– Lưng (2): nghĩa chuyển
b.
– Sườn (1): nghĩa gốc
– Sườn (2): nghĩa chuyển
Câu 2. Phân biệt nghĩa của các từ đồng âm trong các trường hợp sau:
a.
– Tôi đã thi đỗ vào cấp ba.
– Những hạt đỗ đã nảy mầm.
b.
– Sợi chỉ có màu đỏ.
– Tôi chỉ đường giúp anh ta.
Gợi ý:
a.
– đỗ 1: đạt yêu cầu để được tuyển chọn trong cuộc thi cử
– đỗ 2: cây nhỏ, có nhiều loài, tràng hoa gồm năm cánh hình bướm, quả dài, chứa một dãy hạt, quả hay hạt dùng làm thức ăn
b.
– chỉ 1: sợi ngang trên khung cửi hoặc máy dệt; phân biệt với sợi dọc, gọi là canh
– chỉ 2: làm cho người ta nhìn thấy, nhận ra cái gì, bằng cách hướng tay hoặc vật dùng làm hiệu về phía cái ấy
Câu 3. Tìm các từ thuộc trường từ vựng sau:
– thời gian
– màu sắc
– âm nhạc
– nghề nghiệp
Gợi ý:
– thời gian: ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, canh…
– màu sắc: xanh, đỏ, đậm, nhạt…
– dụng cụ âm nhạc: đàn, kèn, trống, ghi-ta…
– nghề nghiệp: ý tá, bác sĩ, giáo viên, họa sĩ…