Văn mẫu lớp 12: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt của Kim Lân mang đến bài văn mẫu siêu hay đạt điểm cao của các bạn học sinh giỏi. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 12 có nhiều ý mới, ý hay, ý đẹp khi làm văn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau
Phân tích bà cụ Tứ sáng hôm sau để thấy được tâm trạng nhân vật đan xen lẫn lộn, từ nỗi tủi hờn đã ánh lên niềm vui, từ nỗi âu lo nay đã chuyển thành hi vọng. Vậy dưới đây là bài văn mẫu Phân tích nhân vật bà cụ Tứ khi tràng đưa Thị về mời các bạn cùng đón đọc. Ngoài ra các bạn xem thêm phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, phân tích nhân vật Tràng.
Phân tích bà cụ Tứ sáng hôm sau
Nếu Nguyễn Tuân là văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái lạ; Nguyên Ngọc là nhà văn của cái hùng, cái cao cả thì Kim Lân chỉ đơn giản là người “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Một trong những nhân vật thể hiện rất rõ cái nhìn đôn hậu, thấu hiểu và yêu thương của Kim Lân dành cho người nông dân chính là nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Trong tác phẩm, nhân vật đã rất nhiều sự thay đổi từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau.
Tác phẩm được Kim Lân viết văn 1962, tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Mang theo ý thức sâu sắc về nghề cầm bút, Kim Lân luôn trăn trở: “Viết về cái đói, người ta thường hướng đến sự khốn cùng bi thảm, về cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, cận kề cái chết, con người vẫn luôn hướng về sự sống và sống cho ra người. Đó cũng chính là điều làm nên giá trị sâu sắc của tác phẩm”. Đó chính là tiền đề để tác giả có thể tạo lên một tác phẩm: “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu). Một trong những nhân vật tạo nên giá trị của “Vợ nhặt” chính là bà cụ Tứ.
Đó là một người mẹ nghèo trở nên bất lực khi không lo nổi chuyện cưới xin cho con. Nên khi tình huống mở ra: Tràng nhặt vợ trong bối cảnh nạn đói thảm hại, bà hoàn toàn bất ngờ và bị động. Nhưng qua đó lại thể hiện chân thực và sâu sắc nhất hình ảnh người mẹ nông dân này.
Trong buổi tối hôm trước, khi bước vào nhà, bà cụ Tứ còn cảm thấy ngạc nhiên trước sự xuất hiện của người đàn bà lạ mặt. Sự ngạc nhiên hiện ra trong một loạt những câu hỏi: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ?”, “Sao lại chào mình bằng u?” Sự ngạc nhiên còn khiến bà không tin vào mắt mình: bà “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoè đi thì phải”. Hiểu ra cơ sự thì lòng người mẹ nghèo đan xen những cảm xúc trái chiều. Bà vừa mừng lại vừa tủi. Mừng vì con trai cuối cùng đã lấy được vỡ, nỗi day dứt của một người mẹ không thể lo được chuyện quan trọng nhất đời cho con nhưng lại tủi trước hoàn cảnh con lấy được vợ: “Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mày nở mặt sau này. Còn mình thì…” Nỗi tủi hờn được giấu trong dấu (…) không cất được thành lời. Trong người mẹ ấy, vừa có sự yêu thương lại xen lẫn với nỗi xót xa. Bà xót thương cho đứa con trai mình nhờ đói khát mà lấy được vợ, nhờ đói khát mà có cơ hội chạm vào hạnh phúc. Nhưng bà cũng xót xa cho người con dâu, vì đói khát mà theo không con trai mình. Trong suy nghĩ của bà không hề có một chút khinh khi mà trái lại, tình thương còn thấm đượm trong mỗi câu chữ: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Hai chữ “mừng lòng” đã trả lại danh dự cho người vợ nhặt. Bà cụ Tứ không phải chấp nhận mà đón nhận con dâu với tất cả yêu thương trân trọng. Đối với bà, việc Tràng có vợ không phải là sự nhặt vu vơ mà là duyên kiếp, như đối với tất cả lứa đôi nào. Ở đây, ta thấy toát lên vẻ đẹp của lòng nhân hậu, sự bao dung và vị tha. Ở người mẹ ấy còn xen lẫn những âu lo và hi vọng. Bằng sự từng trải của người mẹ, bà cụ Tứ nhận thấy bóng tối của đói khát, chết chóc đang bủa vây các con mình nên nỗi lo trĩu nặng bật ra thành những câu hỏi: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”, “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, đời của chúng nó liệu có hơn bố mẹ nó trước kia không?”. Nhưng nỗi tủi hờn là lo lắng ấy lại được nén trong lòng. Bà cụ Tứ vẫn cố gắng hướng các con tới tương lai bằng những lời động viên an ủi: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đó là hình ảnh người mẹ từng trải, thấu hiểu lẽ đời và giàu khát vọng.
Qua những suy nghĩ, lời nói, cử chỉ và cách ứng xử với con dâu, con trai ta đều cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự nhân hậu, thấu hiểu của người mẹ nông dân, người phụ nữ Việt Nam.
Sang buổi sáng hôm sau, bà cụ Tứ đã có sự thay đổi lớn. Gương mặt “bủng beo, ám” thường ngày bỗng “rạng rỡ hẳn lên”, trở nên “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn thường ngày”. Ngôn ngữ và hành động cũng được tác giả chú ý miêu tả. Bà cụ lúi húi giẫy những búi cỏ rồi bàn bạc với các con về việc gia đình, chuyện trò vui vẻ với con trai, lễ mễ bưng nồi chè khoán mà đon đả múc vào bát. Người mẹ nghèo với tấm lòng thơm thảo đang cố gắng chăm lo, vun vén cho các con. Tâm trạng của người mẹ đối với cái thảm hại của bữa ăn ngày đói, với cái đắng chát của vị cháo cám lại ánh lên niềm hi vọng, niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Có thể nói, qua tâm trạng của bà cụ Tứ, ta cảm nhận được rằng: trong vực thẳm đói khát những người dân lao động nghèo khổ vẫn giữ gìn ngọn lửa của niềm tin để nhen nhóm lên hi vọng và tin yêu cuộc sống. Đặc biệt, những chồi xanh của hi vọng, sự sống lại được nảy mầm từ đói khát, từ chính cuộc đời những con người tưởng như đã cạn kiệt sinh lực sống.
Như vậy, từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, tâm trạng nhân vật từ những cảm xúc đan xen lẫn lộn, từ nỗi tủi hờn đã ánh lên niềm vui, từ nỗi âu lo nay đã chuyển thành hi vọng. Ngay cả đặc điểm của thời gian: chiều tối đến sáng, không gian: u ám của cái chết bủa vây đến sáng hôm sau tươi sáng cũng đã thể hiện sự biến đổi tích cực này. Đó chính là sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui – một trong những khung hướng tất yếu của văn học cách mạng Việt Nam.
Tái hiện nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân đã thể hiện sự tài tình trong ngòi bút kể chuyện. Tác giả đã phối hợp điểm nhìn bên trong và bên ngoài: buổi tối hôm, nhà văn đặt điểm nhìn vào bên trong nhân vật để tái hiện các nét tâm trạng vừa đan xen lại chuyển hóa vào nhau để tạo nên những dòng chảy tâm tư chân thực, sống động với ngôn ngữ nửa trực tiếp cho phép người đọc thâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật. Đến buổi sáng hôm sau, nhà văn lại xuất phát từ điểm nhìn bên ngoài để miêu tả diện mạo, hành động, thể hiện sức sống, niềm tin được nhân vật khơi mở và thắm lên trong ngôi nhà của mình. Về mặt ngôn ngữ, Kim Lân đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn thứ ngôn ngữ nông dân giản dị, thuần hậu để dựng lên những đoạn độc thoại, đối thoại sinh động, khiến người đọc có cảm giác như nhân vật như đi thẳng từ cuộc đời vào trang viết. Đặt nhân vật vào tình huống độc đáo và éo le, từ đó tính cách và tâm lí được thể hiện một cách tự nhiên.
“Vợ nhặt” đã khiến nhà văn Nguyễn Khải thốt lên: “Tôi không tin Nguyễn Tuân có thể viết “Chữ người tử tù” cũng như Kim Lân có thể viết “Vợ nhặt”. Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết”. Điều đó chắc chắn được làm nên không chỉ bởi ngòi bút kể chuyện tài hoa mà còn là một tâm hồn luôn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy”, một cái nhìn đôn hậu, hóm hỉnh và đầy thấu hiểu với người nông dân.
Bởi những “áng văn chân thực và giản dị về con người “ (Hemingway) ấy, mà Kim Lân văn dù viết rất ít nhưng “lại được khâm phục rất nhiều”.