Văn bản Người thầy đầu tiên sẽ được giới thiệu đến các bạn học sinh trong chương trình môn Ngữ văn. Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 7: Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên
Nội dung của tài liệu sẽ bao gồm 2 bài văn mẫu lớp 7. Hãy cùng theo dõi nội dung chi tiết được đăng tải ngay sau đây.
Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên
Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai – Mẫu 1
Đến với “Người thầy đầu tiên”, Ai-tơ-ma-tốp gửi gắm bài học giá trị. Nổi bật trong truyện là nhân vật cô bé An-tư-nai.
Hoàn cảnh sống của nhân vật An-tư-nai hiện ra qua cuộc trò chuyện giữa các bạn nhỏ và thầy Đuy-sen. An-tư-nai là một cô bé mồ côi, sống cùng chú thím. Họ đối xử với cô bé rất tàn nhẫn, thậm chí còn bán cô cho bọn nhà giàu. cô bé không chỉ sống trong sự thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn cả tình yêu thương.
Dù vậy, An-tư-nai vẫn có những phẩm chất tốt đẹp. Tác giả xây dựng nhân vật này chủ yếu qua lời nói, hành động để làm nổi bật lên tính cách. Trước tiên, An-tư-nai có một tấm lòng lương thiện, tốt bụng. Khi chứng kiến thầy Đuy-sen bị lũ nhà giàu trú trên núi xúc phạm, cô bé tỏ ra căm ghét đến mức có hành động như “nắm lấy cương ngựa và quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ”. Khi biết được những hành động của thầy Đuy-sen làm cho học trò như vất vả trữ củi để sưởi ấm lớp học, An-tư-nai không ngần ngại mà trút lại ki-giắc ở trường. Giữa trời đông buốt giá, cô bé cũng cùng với thầy Đuy-sen lấy đá và tảng đất cỏ tạo thành các ụ nhỏ trên lòng suối, giúp các em nhỏ đi lại thuận tiện và an toàn.
Nhờ có sự giúp đỡ của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã được đi học. Và không phụ tấm lòng đó, cô bé luôn chăm chỉ học hành. An-tư-nai cũng luôn yêu mến, biết ơn thầy Đuy-sen về những điều thầy đã làm cho cô bé. An-tư-nai cũng tự bộc lộ rằng trong suy nghĩ rằng: “Tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy”. Sau này, khi An-tư-nai đã trưởng thành, trở thành một bà viện sĩ nhưng trong tâm trí của cô bé vẫn luôn khắc sâu hình ảnh người thầy đầu tiên, cùng những lời dạy bảo của thầy. An-tư-nai đã nhờ nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện về thầy Đuy-sen để có thể truyền cảm hứng cho mọi người – “không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này”.
An-tư-nai còn có một bản lĩnh, ý chí kiên cường. Dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuổi thơ phải chịu nhiều bất hạnh nhưng cô bé vẫn có tinh thần lạc quan, nỗ lực cố gắng. Dưới sự dạy bảo, giúp đỡ của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã có cơ hội tới thành phố học tập. Tại đây, An-tư-nai nỗ lực học tập và đã trở thành một viện sĩ.
Nhân vật An-tư-nai hiện lên mang những phẩm chất đẹp đẽ, đáng ngưỡng mộ. Qua nhân vật này, tác giả cũng muốn gửi gắm nhiều thông điệp giá trị.
Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai – Mẫu 2
Người thầy đầu tiên là một trong những tác phẩm hay của Ai-tơ-ma-tốp. Trong đó, nhân vật An-tư-nai được khắc họa vô cùng chân thực.
Trong tác phẩm, nhà văn ít miêu tả An-tư-nai về ngoại hình mà chủ yếu qua ngôn ngữ, hành động. Dù vậy, nhân vật này vẫn hiện lên khá rõ về đặc điểm tính cách, tâm hồn.
Trước tiên, hoàn cảnh sống của An-tư-nai hiện ra qua cuộc trò chuyện của nhân vật thầy Đuy-sen và bọn trẻ. An-tư-nai vốn mồ côi cha mẹ, phải sống nhờ chú thím. Họ đối xử rất tệ, thậm chí còn từng bán cô bé cho bọn nhà giàu. Dù sống trong hoàn cảnh đó, An-tư-nai vẫn giữ được một tấm lòng lương thiện, tâm hồn trong sáng. Khi biết được thầy Đuy-sen vất vả trữ củi để sưởi ấm lớp học, An-tư-nai không ngần ngại mà trút lại ki-giắc ở trường. Vào m ùa đông với cái rét cắt da cắt thịt tại Nga, thầy Đuy-sen tốt bụng đã cõng, rồi bế bọn An-tư-nai qua suối để học trò của mình không phải chịu cái lạnh thấu xương của dòng nước. Nhưng bọn nhà giàu đã trêu chọc, phi ngựa qua để nước bắn lên người thầy trò họ. Lúc đó, An-tư-nai rất tức giận, cô bé thương thầy giáo của mình và chỉ muốn hét vào mặt bọn người giàu rằng: “Các người không được nói thầy giáo của chúng tôi như thế! Các người ngu lắm, các người tồi lắm”. Khi thầy thầy Đuy-sen lội suối để đắp đất, đá cho học trò đi qua, An-tư-nai dù còn nhỏ đã không ngần ngại xuống giúp đỡ thầy, sau này khi nhớ lại ngày hôm đó, cô đã cảm thán: “Hôm chúng tôi xếp đá qua dòng nước, tuyết đã phủ đầy trên mặt đất và nước buốt đến chết cóng đi”.
An-tư-nai là một cô bé sống tình cảm. Cô yêu mến và kính trọng thầy Đuy-sen như người thân. An-tư-nai đã bộc lộ rằng: “Ước gì thầy là anh ruột của tôi! Ước gì tôi được bá cổ thầy, nhắm nghiền mắt lại và thủ thỉ với thầy những lời đẹp đẽ nhất! Trời ơi, ước gì thầy Đuy-sen là anh ruột tôi!”. Mong muốn thật nhỏ bé nhưng lại chứa đựng tình yêu thương sâu sắc cũng như khao khát có được tình cảm gia đình của cô bé.
An-tư-nai còn rất kiên cường, nghị lực. Nhờ có thầy Đuy-sen, An-tư-nai có cơ hội được lên thành phố học. Không phụ sự kì vọng của thầy, cô bé đã nỗ lực học tập và trở thành một viện sĩ nổi tiếng. Và khi đã thành công, An-tư-nai cũng không quên công ơn của người thầy đầu tiên. Bà đ ã nhờ người họa sĩ kể lại câu chuyện cuộc đời bà để truyền cảm hứng đến mọi người. Tác giả sử dụng ngôi kể linh hoạt, cách miêu tả chân thực để khắc họa hình ảnh An-tư-nai hiện lên vô cùng sinh động.
Cùng với thầy Đuy-sen thì An-tư-nai cũng là một nhân vật nổi bật trong tác phẩm Người thầy đầu tiên. Qua nhân vật này, Ai-tơ-ma-tốp cũng gửi gắm đến người đọc bài học giá trị.